Với Lê Uyên Phương có lẽ Đà Lạt không đơn giản chỉ là quê hương, một nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng ông, mà đây còn là nơi đã xe duyên cho cuộc gặp gỡ định mệnh của ông và người con gái gắn kết với cả cuộc đời của mình, người con gái mà ông tha thiết yêu thương. Vì thế nên những sáng tác về Đà Lạt như là chính hơi thở, là cuộc sống và tình yêu của ông vậy.
Trong những tác phẩm của ông có một ca khúc không nhắc về hai từ Đà Lạt như chỉ cần đọc tên bài hát ai cũng biết đó chính là Đà Lạt, nơi quê hương yêu dấu của ông, bài hát có tên Bên Hồ Than Thở.
“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”
Hồ Than Thở sở dĩ nổi tiếng là vì nó nằm gần trường Võ bị quốc gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân) và gắn liền với một thời hoàng kim của trường vào thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Cứ ngày nghỉ, lễ, chủ nhật là gia đình của các học viên và người yêu kéo đến gặp nhau vui chơi ở đây. Hồ nằm trên đồi cao giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ rất là nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Con đường đất ven hồ như mất hút xa xa.
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Bên Hồ Than Thở” Trình bày: Lê Uyên & Phương
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Bên Hồ Than Thở” Trình bày: Lê Uyên & Phương
Tại đây dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở. Có một đôi cây thông yêu nhau rất lạ ở phía bắc của hồ tạo thành một đôi “tình nhân” thông quấn quýt bên nhau không rời. Đồi thông ở hồ Than Thở dường như cũng đẹp hơn các nơi khác vì thông thưa hơn, cao đều hơn nên khi ánh nắng mặt trời rọi xuống ngả bóng trên thảm cỏ rất đẹp.
Và những câu chuyện tình yêu đầy trái ngang gắn liền với tên gọi của nó cũng là một điều thu hút sự tò mò của mọi người khi nhắc đến, hoặc được dịp ghé thăm nơi đây.
Với Lê Uyên Phương, tại nơi đây ông đã vẽ nên một câu chuyện tình đầy đẹp đẽ và thơ mộng, những hạnh phúc dường như được lấp kính bởi vẻ đẹp của chính nơi này, nơi có cái tên vốn rất đượm buồn hồ Than Thở:
Chờ em đến đây đem ngàn phấn hương
Màu môi vẫn tươi trong nắng chiều
Vòng tay âu yếm muôn ngàn mến thương
Đàn ơi hãy quên đi ngày gió sương
Em chính là điều hạnh phúc mà anh luôn luôn mong chờ, “chờ em đến đây đem ngàn phấn hương”. Để cho anh được ngắm nhìn Em, ngắm nhìn “màu môi vẫn tươi trong nắng chiều” của em. Và giờ phút ấy chính là lúc đôi ta được ngập chìm trong hạnh phúc của “vòng tay âu yếm muôn ngàn mến thương”. Những hạnh phúc ấy sẽ như một khúc nhạc được cất lên, xua tan đi những khó khăn, cách trở, làm cho chúng ta “quên đi ngày gió sương” trong cuộc đời mình mà tận hưởng những giây phút tươi đẹp ngay lúc này đây.
Từng đôi chim, từng hoa lá cỏ cây, cả cơn gió và những đám mây như đang cùng hòa ca trong bản nhạc tình yêu của đôi trai gái. Yêu thương của họ như được vỡ òa trong hạnh phúc, trong quang cảnh hữu tình thật đẹp bên hồ - nơi mà họ đã cùng nhau hẹn ước, cùng nhau dệt nên những giấc mộng uyên ương, mà khi phải xa cách nhau, dù là trong mơ họ vẫn luôn muốn “tìm đến nơi này”. Giờ đây khi được thỏa mong ước, khi được nhìn ngắm cô gái anh thương với “Áo em màu trắng yêu kiều/ Tóc xanh cuộn mây” dường như anh đang thấy mình như được đắm chìm vào một tiên cảnh của cuộc đời.
Yêu trong lời ca đôi chim bay xa
Lướt cánh tung mây nắng ấm đem vui
Đến yêu thương này
Những năm lìa chốn kinh kỳ
Vẫn mơ tìm đến nơi này
Áo em màu trắng yêu kiều
Tóc xanh cuộn mây .
Yêu trong cuồng si Yêu đôi bờ vai
Mắt biếc thơ ngây áo trắng tung bay
Nắng hôn chân mày
Biết trong màu nắng tươi này
Biết trên hồ mến yêu này
Biết em ngại những mong chờ
Khóc trên bờ vai . . .
La la la la la la . . . . .
Trong giờ phút ấy tình yêu của họ như tràn ra cả trên mặt hồ. Sự đợi chờ của cô gái cuối cùng cũng được đền đáp. Tình yêu ấy được chàng trai diễn tả “ yêu trong cuồng si, yêu đôi bờ vai/ Mắt biếc thơ ngây áo trắng tung bay/ Nắng hôn chân mày” - tình yêu ấy dường như cả cảnh vật nơi đây cũng không thể diễn tả hết. Cô gái ấy có lẽ sẽ là người con gái hạnh phúc nhất khi được “khóc trên bờ vai”của người mình đã đợi chờ bấy lâu. Đó chính là những giọt nước mắt của hạnh phúc được vỡ òa sau bao nhiêu nhớ nhung xa cách.
Nhạc sĩ đã không thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc của đôi trai gái, và dường như đó cũng chính là hạnh phúc của ông. Ông sử dụng những giai điệu cùng với chữ “La la la la la la . . . . ” như để thể hiện sự dạt dào được vỡ òa trong xúc cảm - của ông và cũng là của tình yêu “trên hồ mến yêu này”.
Nắm tay cùng đến nơi này cùng hát bài ca sum vầy
Mà quên đau thương .
Sầu không vấn vương
Yêu trong tình say
Nỗi sầu chia xa của họ đã được thay bằng một khúc ca sum vầy đầy hạnh phúc mỹ mãn. Và họ sẽ cùng nhau cầm tay bước tiếp con đường ấy, con đường mà chỉ còn lại một tình yêu say đắm lòng người. Cùng với lời hứa sẽ “mãi mãi thương em”, không bao giờ lìa xa nhau nữa:
Em ơi từ đây Mãi mãi yêu em
Mãi mãi thương em tóc xanh vai gầy
Hái hoa nhặt bướm nơi này
Hát chung bài hát sum vầy
Áng môi ngời sáng ân tình
Nắng yêu bờ vai . . .
Ở một nơi thơ mộng, một tình yêu thơ mộng, bao khó khăn gian khổ trong tình yêu đã được đền đáp. Có gì vui hơn là niềm vui của sự sum vầy, của sự đồng lòng và của một tình yêu đang được đâm hoa kết trái?
Hiếm hoi lắm tôi mới thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn trong nhạc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Và dường như tôi đã nhìn thấy được niềm tin, tình yêu và hy vọng được sống những ngày hạnh phúc của ông đang thực sự mạnh mẽ vô cùng. Có lẽ tình yêu với “Lê Uyên” chính là động lực để ông có thể vượt qua mọi thứ và đưa những tinh thần đó vào từng tác phẩm để đời của chính bản thân mình.
Lối Cũ biên soạn