Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 20 tuổi, ông theo cha vào Quảng Trị, rồi vào Huế học trường Khải Định (nay là trường Quốc Học Huế) nhưng do lúc đó đã quá tuổi đi học nên ông có khai sinh lại là năm 1932 tại Quảng Trị (nên sau này có nhiều người nhầm lẫn ông là một người con của nơi này).
Sau khi tốt nghiệp không lâu, ông rời Huế lên Đà Lạt và dạy học tại nơi này. Tại đây ông đã cho ra đời những tác phẩm âm nhạc mang dấu ấn của riêng mình và cả xứ sở hoa đào đầy thơ mộng. Ông cũng là thầy của một nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam sau này Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên
Nhưng cuộc sống của ông thì không bao giờ được yên ổn, năm 1957, chính quyền Đà Lạt có cuộc thanh lọc công chức. Ông cũng là một trong những người nằm trong tầm ngắm của họ vì đã có một thời gian tham gia kháng chiến trước đó. Họ tiến hành lục soát và phát hiện tại nhà ông có bản nhạc Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao nên ông bị bắt và bị lưu đày ra Côn Đảo (lúc đó thuộc tỉnh Côn Sơn).
Tại đây, vì được vị Chỉ Huy Trưởng nơi này mến mộ tài hoa, ông đã trở thành thầy dạy nhạc và Việt văn của con gái ông ấy. Và mối tình đầy oan trái giữ một phạm nhân bị lưu đày và tiểu thư cành vàng lá ngọc đã bắt đầu. nhưng những ngày tháng hạnh phúc bên nhau chẳng được bao lâu khi chuyện tình bị vỡ lở vì… cô gái đã mang thai.
Vì để ngăn cản tai tiếng đến với gia đình mình, vị Chỉ huy trưởng đã giải quyết bằng cách vận động để nhạc sĩ Hoàng Nguyên được thả sớm về Sài Gòn, sau đó đưa con gái về Huế “lánh nạn”, đợi sau khi sinh con sẽ tổ chức đám cưới cho hai người. Nhưng có lẽ vẫn không thể hết hoài nghi về thân phận của nhạc sĩ, ông đã sắp xếp cho con gái mình thành hôn với một người khác.
Và khi biết được tin người yêu đi lấy chồng, cuộc tình của nhạc sĩ cũng chỉ đành thế tan tành theo mây khói. Trong nỗi bi thương đầy trái ngang ấy ông đã viết nên những bản tình ca nghe đến nhói lòng như: Tà Áo Tím, Thuở Ấy Yêu Nhau, và nổi tiếng nhất có lẽ chính là Cho Người Tình Lỡ:
Khóc mà chi, yêu thương qua rồi
Than mà chi, có ngăn được xót xa
Tiếc mà chi, những phút bên người
Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua
Trong nỗi đau chia lìa ấy có lẽ ông sẽ không kìm được những giọt nước mắt, những nỗi xót xa và cả những niềm thương tiếc cho mối tình bi ai của chính mình. Nhưng thời gian qua đi, ông cũng dần nhận ra rằng ông có khóc, có than, có tiếc, có thương thì cũng chẳng để làm chi nữa, vì hiện thực rõ ràng đã hiện ra trước mắt là yêu thương ấy giờ đã “qua rồi”, có than trách thì cũng không thể “ngăn được xót xa” đang trào dâng trong cõi lòng của chính mình, “những phút bên người” ấy giờ có tiếc nhớ thì mọi chuyện cũng chỉ là “chuyện đã qua” mà thôi.
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Cho Người Tình Lỡ” Trình bày: Chế Linh
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Cho Người Tình Lỡ” Trình bày: Chế Linh
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Cho Người Tình Lỡ” Trình bày: Lệ Thu
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Cho Người Tình Lỡ” Trình bày: Lệ Thu
Ông của hiện tại “giờ đây như là chim”, một con chim với đôi cánh đã “rã rời” vì đã mất phương hướng, mất niềm tin, mất cả tình yêu và chẳng biết “bay phương trời nào”. Còn cô gái, người mà ông yêu thương chắc cũng chẳng hơn ông là mấy, có lẽ nơi phương xa ấy “Em giờ đây như cành hoa/ Trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào” - Số phận đã không thể đổi thay, người anh yêu đã về nơi bến mới, anh tả tơi, và cô cũng tả tơi.
Anh giờ đây như là chim
Rã rời cánh biết bay phương trời nào
Em giờ đây như cành hoa
Trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào.
Lúc yêu nhau thì ai cũng mơ mộng những ngày tháng đẹp tựa như là giấc mơ sẽ đến và đưa họ đi vào con đường của hạnh phúc mai sau. Có ai mà ngờ được rằng cuộc tình sẽ “rơi như lá rơi”, rơi vào dĩ vãng xa xôi. Giờ đây, dù tình yêu vẫn đang còn đong đầy nơi lòng ngự, nhưng vòng tay êm ấm đã không còn được như ngày xưa nữa rồi. Cuộc tình, đã thực sự tan vào hư vô, “Để giờ này một người khóc đêm thâu/ Một người nén cơn đau nghe mưa mà cúi đầu”, họ cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài chấp nhận thương đau.
Mình nào ngờ, tình rơi như lá rơi.
Người tình đầy, vòng tay ôm quá lơi.
Để giờ này một người khóc đêm thâu,
Một người nén cơn đau nghe mưa mà cúi đầu.
Đành thế thôi, cuộc tình ấy giờ đã hết những ngày tháng mong đợi, giờ nó đã như một dòng nước vô tình mà “trôi qua cầu”. Nên chấp nhận thôi, ông sẽ cố để quên đi “những tiếng yêu đầu” - vì “những lời yêu ấy nay đã quá xa”.
Thế là hết, nước trôi qua cầu
Đã chìm sâu những tháng ngày đắm mê
Thôi đành quên, những tiếng yêu đầu
Những lời yêu ấy nay đã quá xa.
Nẻo đường cũ giăng đầy mưa
Khuất mù lối, khiến nên tình đành lỡ
Ta giờ đây như rừng thu
Nắng liệm với chiếc lá vàng cuối mùa.
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Cho Người Tình Lỡ” Trình bày: Tuấn Ngọc
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Cho Người Tình Lỡ” Trình bày: Tuấn Ngọc
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Cho Người Tình Lỡ” Trình bày: Khánh Hà
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Cho Người Tình Lỡ” Trình bày: Khánh Hà
Giờ đây, trên con đường cũ ấy, ông bước đi trong cơn mưa giăng ngập lối. Trong cơn mưa “khuất mù lối” ông đã không thể nhìn thấy đường tương lai của cuộc tình chính mình, có lẽ cũng vì vật mà “khiến nên tình đành lỡ” . Lòng ông chơi vơi trong nỗi nhớ, nỗi cô đơn, hiu quạnh và niềm thương xót cho cuộc tình, cuộc đời của chính mình. Ông nhìn thấy con đường phía trước của ông “giờ đây như rừng thu” đầy nắng vàng, nhưng là màu “nắng liệm với chiếc lá vàng cuối mùa”. Cõi lòng ông từ đây cũng đã chết, chết theo bước chân oai trái của người ông thương bước đi về bến mới.
Xót xa, tiếc thương, u buồn là cảm xúc của tôi khi nghe Cho Người Tình Lỡ của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Có lẽ đã phải đớn đau và tuyệt vọng lắm nên ông mới có thể viết nên những ca từ khiến cho lòng người da diết đến như vậy… Trong thâm tâm tôi cứ dấy lên một câu hỏi: Sao cuộc đời lại phải đày đọa những con người tài hoa và có tình như vậy?...
Lối Cũ biên soạn