Cảm nhận ca khúc "Thói Đời" (Trúc Phương) - Bài hát như một định mệnh cho cuộc đời của chính nhạc sĩ _ Lối Cũ

Nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương là nhắc đến một con người tài năng trong “thế giới âm nhạc”, điều này không một ai có thể phủ nhận. Trên con đường đó, ông là một vầng hào quang tỏa sáng, được nhiều người ngưỡng mộ và yêu mến. Nhưng trong cuộc sống của chính mình, ông lại lận đận đủ đường.

Và đặc biệt, những ca khúc của Trúc Phương như vận vào cuộc đời của chính ông sau này như một định mệnh vậy. Rõ ràng nhất không thể không kể đến ca khúc Thói Đời, một trong những ca khúc nổi tiếng nhất - gắn liền với tên tuổi của ông.

Bài hát được ông sáng tác vào trước năm 1975 (khoảng những năm 1970). Theo như nhiều bài viết tôi đọc được trước đó thì vào giai đoạn đó ông có quen một thiếu nữ cao sang, đài các và vô cùng xinh đẹp. Cô ấy đem lòng cảm mến ông vì tài năng qua những tác phẩm tuyệt vời của ông. Và hai người yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng. 

Thời gian đầu họ cũng có với nhau một đoạn đường vô cùng hạnh phúc, dù cuộc sống có nghèo một chút nhưng tình cảm lại vô cùng dạt dào.

Nhạc sĩ Trúc Phương và vợ (cũ)

Những tưởng tình cảm tốt đẹp như vậy sẽ kéo dài mãi mãi nhưng cuộc đời lại lắm trái ngang, tình cảm vợ chồng dần nhạt phai, hạnh phúc gia đình vì thế cũng ngắn ngủi. Hôn nhân tan vỡ, bạn bè ông thường gặp ông ngồi lặng lẽ bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10. Có lẽ tìm đến ‘hơi men’ là cách để người nhạc sĩ ấy tạm quên đi cay đắng của cuộc đời. Và đó cũng là lúc bài hát Thói Đời được ông viết nên “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng đời bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”...

Tuy nhiên thông tin này bị người con của Trúc Phương cho biết là sai sự thật, vì nhạc sĩ này không bao giờ uống rượu. Việc này cũng được ca sĩ Chế Linh xác nhận. Ông là người thường xuyên gặp gỡ Trúc Phương thời đó, và cho biết là Trúc Phương chỉ hút thuốc và uống coca chứ không uống rượu bao giờ. Và có lẽ một phần vì không biết uống rượu nên nỗi buồn, nỗi chán chường của ông càng gấp bội hơn so với những người thường - Họ buồn, họ có thể mượn men say mà quên đi, còn ông thì say trong Thói Đời, trong sự tỉnh táo của chính bản thân mình:

Đường thương đau đầy ải nhân gian

ai chưa qua chưa phải là người.

Trông thói đời cười ra nước mắt.

Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu.

Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao

còn gian dối cho nhau.

Ngay từ câu hát mở đầu ông đã viết “đường thương đau đầy ải nhân gian/ ai chưa qua chưa phải là người” - có lẽ sau khi đã trải qua những thăng trầm của cuộc sống, ông rút ra được rằng đã sống trên đời thì ai cũng sẽ gặp phải những khó khăn, trắc trở, sẽ phải đi qua “đường thương đau” để mà có thể trưởng thành hơn, để mà biết rằng cuộc sống này không bao giờ là một màu hồng như người ta vẫn tưởng. Rồi khi đã trải qua, khi đã nhận ra bản chất của cuộc đời, thì chỉ biết bất lực mà “trông thói đời cười ra nước mắt” mà thôi. 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Thói Đời" Trình bày: Chế Linh, Đan Nguyên

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Thói Đời" Trình bày: Chế Linh, Đan Nguyên

Ông cũng đã trải qua, cũng đã nhìn ra những gian dối, lọc lừa và phản bội mà con người dành cho nhau - “Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu/ Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao/ còn gian dối cho nhau” - Nhưng cũng biết làm gì hơn được nữa, vì đó chính là một sự thật đầy chua chát của cái mài người ta vẫn gọi là “tình đời”, “tình người”...

Và cả “tình yêu” cũng không khác là bao khi “người yêu ta rồi cũng xa ta/ nên chung thân ta giận cuộc đời” - người đã đến cho ông tận hưởng, cho ông biết thế nào là hạnh phúc, là niềm vui, nhưng người cũng lạnh lùng mà rời đi để lại ông một mình cô độc với chính mình. Để rồi từng đêm đôi mắt ông chìm trong “buốt giá - bên chiếu chăn tình xa nhịp thở” - nhưng ông hiểu, cuộc đòi vốn là như thế, vồn là “tiền đổi tay khi rũ cơn mê/ để chua xót trên bước về”, nên ông biết làm gì được hơn ngoài ủ rũ, buồn rầu, mà ôm “giận cuộc đời” để sống tiếp những tháng ngày còn lại. Đó chính là sự chấp nhận và cũng là sự bất lực của chính ông khi nhận ra rằng bản thân mình sẽ chẳng thể thay đổi được cuộc đời này.

Người yêu ta rồi cũng xa ta

nên chung thân ta giận cuộc đời.

Đôi mắt nào từng đêm buốt giá

bên chiếu chăn tình xa nhịp thở.

Tiền đổi tay khi rũ cơn mê

để chua xót trên bước về.

Cuộc đời đã “tặng” cho ông những “niềm cay đắng” và “những suy tư in đậm đường hằn”, thế cho nên ông đã nói rằng “mình còn ai đâu để vui/ khi trót sa vũng lầy nhân thế”. Sự chán nản lại càng thêm chán nản, sự bất lực lại nối tiếp bất lực, nên cuộc đời của ông giờ đây như là “Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi”.

Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức là tương tư thảo là tên gọi văn hóa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, đang căng thẳng, hay có tâm sự buồn thì “làm” điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ. Nhưng đối với nhạc sĩ Trúc Phương, đối với Thói Đời thì điếu thuốc “cỏ tương tư” lại biến thành “cỏ ưu tư” làm cho đôi môi trở thành màu xám xịt qua những nỗi đau thương, nhung nhớ ngập tràn.

Rượu trần ai gội niềm cay đắng.

Những suy tư in đậm đường hằn.

Mình còn ai đâu để vui

khi trót sa vũng lầy nhân thế.

Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi.

 

Bạn quên ta, tình cũng quên ta

nên chân đêm thui thủi một mình.

Soi bóng đời bằng gương vỡ nát.

Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt.

Đoạn buồn xa ta đã đi qua.

Ngày vui tới ta vẫn chờ.

Điều đó có lẽ cũng dễ hiểu, bởi vì đoạn kết của bài hát ông đã nói rất rõ ràng nguyên do rằng “bạn quên ta, tình cũng quên ta/ nên chân đêm thui thủi một mình” - Cuộc đời ông giờ đây chỉ còn lại một sự cô độc đến lạ thường, đêm về lại “thui thủi” một mình cùng với nỗi sầu không bao giờ nguôi. Giờ đây, khi nhìn lại cuộc đời của mình, ông viết “Soi bóng đời bằng gương vỡ nát/ Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt” - Có thể thấy rằng cuộc đời của ông là một màu đau thương tràn ngập, ngay cả tấm gương để “soi cuộc đời” cũng đã chẳng còn nguyên vẹn được nữa, và trong đôi mắt cũng chỉ còn lại một nỗi xót xa ngập tràn…

Toàn bộ bài hát hầu như là những triết lý sống đầy dối trá và bi thương, là những nỗi đau chồng chất nỗi đau, là sự cô đơn đến buốt giá cả cõi lòng, là sự trách cứ cuộc đời đầy đau thương… Nhưng với ông đó chính là lẽ đương nhiên của cuộc đời mà ông đã nhìn thấu và chấp nhận. Thế cho nên ông cũng lạc quan mà sống tiếp những ngày tháng còn lại vì “Đoạn buồn xa ta đã đi qua/ Ngày vui tới ta vẫn chờ”.

Khi nghe Thói Đời có lẽ nhiều người cũng giống như tôi, cũng tưởng chừng như là nhạc sĩ Trúc Phương đã hoàn toàn tuyệt vọng và mất niềm tin vào cuộc sống và con người. Nhưng cảm xúc của chúng ta lại được vỡ òa nơi hai câu kết bài. Sự lạc quan, yêu đời và niềm tin không mất đi ấy của ông đã làm cho lòng tôi có một chút hạnh phúc, phải, đó chính là hạnh phúc.

Thói Đời đã gây xúc động cho biết bao con người yêu nhạc, đặc biệt là những người đã từng trải qua những “đường đau thương”. Và với bản thân nhạc sĩ Trúc Phương, Thói Đời như là một lời tiên tri cho chính quãng đời còn lại của ông trong suốt gần 25 năm sau đó: Sau 1975 thì hầu hết tất cả các bài hát của ông đều bị cấm trình diễn trong nước. Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông phải làm đủ mọi công việc để mưu sinh. Ngay cả 1979, ông nhờ bạn bè giúp vượt biên, nhưng số phận kém may mắn nên không thoát được mà lại bị giam giữ một thời gian. Sau khi được thả ra với hai bàn tay trắng, ông làm thuê, làm mướn đủ mọi nghề và lang thang khắp nơi. Một thời gian, vì không có chỗ ngủ, buổi tối ông đón xe về xa cảng miền Tây để thuê chiếc chiếu ngả lưng qua đêm… Ông cứ âm thầm lặng lẽ như thế cho đến cuối cuộc đời, và cũng ra đi trong âm thầm lặng lẽ… chỉ một mình.

Bài hát được thu thanh đầu tiên bởi ca sĩ Hương Lan trong dĩa nhựa của Dĩa hát Việt Nam, sau đó là ca sĩ Chế Linh trong băng nhạc Chế Linh 1… vào trước năm 1975. Cho đến nay, Thói Đời vẫn được rất nhiều người yêu thích qua tiếng hát của Đan Nguyên, Hoài Lâm… có lẽ một phần là vì bài hát thực sự quá chân thực, vì đời nào thì cũng có kẻ “giàu sang quên kẻ tâm giao/ còn gian dối cho nhau”.

 Lối Cũ biên soạn