Cảm nhận "Tàu Đêm Năm Cũ" (Trúc Phương) - Nhạc phẩm Bolero "kinh điển" của dòng nhạc vàng _ Lối Cũ

Năm 1962, bản nhạc “Tàu Đêm Năm Cũ” ra đời bởi người nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương. Ông là một nhạc sĩ nhạc vàng phải nói là tiêu biểu nhất của nền âm nhạc Việt Nam trước năm 1975.

Bài hát khi ra đời đã được thu thanh bởi giọng ca ngọt ngào của nữ ca sĩ Hoàng Oanh, và được thu cùng một thời điểm các nhạc phẩm như Ai Lên Xứ Hoa Đào, Kiếp Tha Hương, Chuyện Chúng Mình, Đêm Giã Từ… (Đây là lúc nữ ca sĩ Hoàng Oanh khởi đầu cộng tác với các hãng dĩa lớn nhất của Miền Nam thời bấy giờ là: Hãng dĩa Sóng Nhạc và Hãng dĩa Việt Nam…)

Nhạc sĩ Trúc Phương

Hình ảnh sân ga - chuyến tàu dường như đã trở thành biểu tượng của sự chia ly, và đã được ghi lại trong Tân nhạc Việt Nam bằng rất nhiều bản nhạc hay, đi vào lòng người mộ điệu qua bao thế hệ như: Hai Chuyến Tàu Đêm (Trúc Phương – Y Vân), Buồn Ga Nhỏ (Minh Kỳ – Nguyễn Hiền), Đêm Giã Từ (Y Vân – Thể Vân)… nhưng nổi bật nhất ngoài bản Chuyến Tàu Hoàng Hôn của Minh Kỳ - Hoài Linh phải kể đến bản Tàu Đêm Năm Cũ này của nhạc sĩ Trúc Phương:

Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn.

Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay.

Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo.

Sự chia ly đã bắt đầu ngay từ câu hát đầu tiên “trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn” - Trong màn đêm vẫn đang bao trùm, gợi cho người ta sự cô đơn, lạc lõng đến lạ thường. Hình ảnh hai người “cầm chắc đôi tay” bịn rịn không muốn rời trong giờ phút ấy, khiến cho tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác trống vắng, chơi vơi và cả một chút tủi hờn như chính mình là người đang tiễn đưa một người quan trọng đối với mình đi vào một nơi vô cùng nguy hiểm, dù không nỡ nhưng vẫn buộc phải bước đi.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Tàu Đêm Năm Cũ" Trình bày: Hoàng Oanh

Bấm vào để nghe "Tàu Đêm Năm Cũ" Trình bày: Hoàng Oanh

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Tàu Đêm Năm Cũ" Trình bày: Thanh Thuý (thu âm trước 1975)

Bấm vào để nghe "Tàu Đêm Năm Cũ" Trình bày: Thanh Thuý (thu âm trước 1975)

 

Trời càng về sáng gió lại càng có chút se lạnh, “đôi tà áo” có lẽ vì sương cũng đã ướt nhẹ, nhưng mà ai quan tâm chứ, điều họ quan tâm giờ đây chính là giây phút này, đang còn được ở cạnh nhau đôi chút. Thế nhưng những giây phút ấy thường ngắn ngủi, tàu đêm cũng đã đến lúc đi xa dần, nhưng “biết người ra đi vì đời” nên dặn lòng thôi đừng tiếc thương mà chi - “Trở gót bâng khuâng tôi hỏi lòng đêm nay buồn không?” - Buồn hay không có lẽ mình cô mới biết được, có lẽ anh bước đi và lòng cũng biết. Nhưng vì “để người yêu vừa lòng” họ cùng nhau dấu đi nỗi buồn ấy vào sâu trong tận đáy lòng, để mà nhìn nhau, để mà động viên nhau trong những ngày tháng xa cách sắp tới, với câu hỏi bâng khuâng mà ai cũng hiểu được sự quan tâm và lời hứa hẹn đằng sau ấy - “chuyến xe đêm lạnh không?”.

Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời.

Trở gót bâng khuâng tôi hỏi lòng đêm nay buồn không,

chuyến xe đêm lạnh không?

Để người yêu vừa lòng.

 

Đêm nay lặng nghe gió lùa qua phố vắng,

trăng rằm về xa xăm.

Trong giây phút này, tôi mơ ước sao nằm trọn vào tay nhau.

Rồi cứ thế từng đêm về, lòng chợt thấy cô đơn, nỗi cô đơn dằn xé cả cõi lòng khiến cho tâm tình như chết lặng, làm cô không thể nào ngủ được mà lắng nghe “gió lùa qua phố vắng”, mà lại nhìn “trăng rằm về xa xăm”. Trong giây phút ấy, cô ước mong, cô khát khao vô cùng sẽ được “nằm trọn vào tay nhau” như những ngày xưa cũ. Có lẽ cái đó thường được người ta gọi là nỗi nhớ người thương.

Ngày ngày, tháng tháng cứ như thế mà trôi qua từ từ, chậm rãi. Cô lang thang trên đường phố, từng ngóc ngách, rồi lại đi đến nơi sân ga, nơi ngày nào “tiễn người trai lính”, tiễn người mà cô yêu thương đi đến một phương trời xa thẳm. Cô đến, để tìm kiếm hình bóng con “tàu cũ năm xưa”, xem nó đã “mang người tình biên khu về chưa?”. Rồi cứ như thế “trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về” nhưng dường như đó chỉ là một mộng ước xa vời của chính bản thân cô mà thôi.

Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào.

Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?

Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về.

Dù biết là vậy, nhưng cô vẫn tin anh, tin rằng anh sẽ quay trở về vào một ngày nào đó gần nhất có thể. Vì nợ nước anh vẫn còn đang gánh trên đôi vai, và con đường phía trước sẽ chẳng biết đến khi nào mới có thể dừng lại, nhưng anh đã hứa, anh đã hẹn trong những bức thư rằng “sẽ về thăm một tối”, một tối nào đó có thể. Và cũng vì lời hẹn đó mà à cô cứ chờ, chờ như vậy, chờ đến trắng đêm…

Dù xa vời vợi tôi vẫn tin anh qua bước đường tha hương còn dài.

Nợ nước đôi vai khi người tìm tương lai đời trai.

Nhớ thư anh hẹn tôi, sẽ về thăm một tối.

Sự đợi chờ ấy của cô luôn đi kèm cùng với nỗi nhớ, cô nhớ như in rằng hai người đã cùng nhau hẹn ước chuyện của cả cuộc đời là sẽ luôn “cho nhau nụ cười”. Nhiều khi trong cô đơn, trong sự chờ đợi dường như quá đỗi vô vọng này, cô cũng tự hỏi rằng “hình bóng thương yêu anh để vào tâm tư còn không?/ giữ trong tim được không những chuyện xưa của lòng?”. Ai mà không buồn, không chênh vênh khi phải một mình với nỗi cô đơn dài vô tận, với sự đợi chờ không biết trước sẽ ra sao kia chứ. Nhưng chỉ hỏi vu vơ vậy thôi chứ cô vẫn luôn một lòng đợi anh, đợi anh một ngày nào đó sẽ trở về nơi đây.

Và câu chuyện đời e ấp trong tim đêm ước hẹn cho nhau nụ cười.

Hình bóng thương yêu anh để vào tâm tư còn không?

Giữ trong tim được không những chuyện xưa của lòng?

 

Đêm qua nằm mơ thấy người trai lính chiến, xuôi tàu về quê hương.

Vui đêm phố phường quên đi phút giây

gió lạnh ngoài biên cương.

Rồi cô nằm mơ, mơ rằng chuyến tàu xưa đã mang anh trở về cùng với niềm vui thắng trận, niềm vui đó khiến cho anh có thể quên đi hết những “gió lạnh ngoài biên cương”, nhưng cô đơn và cực khổ trong suốt thời gian dài xa cách.

Và rồi, điều đó đã không chỉ là một giấc mơ, anh đã thực sự trở về vào “một đêm mùa hè”. Cô đến sân ga cũ, không còn nỗi buồn của ngày hôm ấy nữa, giờ đây niềm vui đã bao trùm hết tất thảy mọi không gian, vì anh lính ngày đó đã trở về, trở về “để đêm nay ngồi đây viết lại tâm tình này” - còn niềm hạnh phúc nào hơn nữa đây??

Một đêm mùa hè tôi đến sân ga vui đón người trai lính trở về.

Tàu cũ năm xưa mang về trả cho tôi người xưa.

Để đêm nay ngồi đây viết lại tâm tình này.

Bài hát bằng giọng ca ngọt ngào của Hoàng Oanh đã nhẹ nhàng đi vào lòng của những người hâm mộ, đến tận giờ phút này. Với cô, nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương cũng là một điều vô cùng đặc biệt, cô đã nói trong một bài viết tưởng niệm nhạc sĩ Trúc Phương vào năm 2015 như sau:

...phải công nhận là nét nhạc Trúc Phương rất đặc biệt, không lẫn lộn với các nét nhạc khác. Nhạc của ông mang đậm âm hưởng Dân ca miền Nam qua những chữ luyến láy có trong lời ca (vì ông là người sinh trưởng ở miền Nam). Bài nào cũng vậy, nhạc và lời hòa quyện với nhau nghe nhịp nhàng, thắm thiết, có bài buồn ray rứt. Lời ca gợi rất nhiều hình ảnh…

Tàu Đêm Năm Cũ được viết với thể điệu Bolero, và là một trong những bản Nhạc Vàng nổi tiếng nhất trong làng nhạc Việt nói chung và của nhạc sĩ Trúc Phương nói riêng. Nhưng có một chi tiết thú vị là bài hát này rất ít khi được hát riêng trọn vẹn trên sân khấu, mà thường được các ca sĩ trình bày dưới hình thức liên khúc. Ngay cả Trung tâm Thúy Nga trong hơn 100 chương trình thâu hình cũng chưa bao giờ trình diễn riêng bài hát này. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản được sự lan tỏa mạnh mẽ của ca khúc trong lòng của khán giả yêu nhạc, cho dù rằng bản thân bài hát cũng đã bị “cấm túc” trong khoảng thời gian dài đằng đẵng (gần 40 năm).

Lời bài hát "Tàu Đêm Năm Cũ" Tác giả: Trúc Phương

Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn.

Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay.

Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo.

 

Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời.

Trở gót bâng khuâng tôi hỏi lòng đêm nay buồn không,

chuyến xe đêm lạnh không?

Để người yêu vừa lòng.

 

Đêm nay lặng nghe gió lùa qua phố vắng,

trăng rằm về xa xăm.

Trong giây phút này, tôi mơ ước sao nằm trọn vào tay nhau.

 

Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào.

Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?

Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về.

 

Dù xa vời vợi tôi vẫn tin anh qua bước đường tha hương còn dài.

Nợ nước đôi vai khi người tìm tương lai đời trai.

Nhớ thư anh hẹn tôi, sẽ về thăm một tối.

 

Và câu chuyện đời e ấp trong tim đêm ước hẹn cho nhau nụ cười.

Hình bóng thương yêu anh để vào tâm tư còn không?

Giữ trong tim được không những chuyện xưa của lòng?

 

Đêm qua nằm mơ thấy người trai lính chiến, xuôi tàu về quê hương.

Vui đêm phố phường quên đi phút giây

gió lạnh ngoài biên cương.

 

Một đêm mùa hè tôi đến sân ga vui đón người trai lính trở về.

Tàu cũ năm xưa mang về trả cho tôi người xưa.

Để đêm nay ngồi đây viết lại tâm tình này.

 

Lối Cũ biên soạn