Cảm nhận tuyệt phẩm “Tình Đời” (Duyên Kiếp Cầm Ca) của tác giả Minh Kỳ, Vũ Chương - Sự tủi nhục cay đắng của người ca sĩ khi chỉ là kẻ mua vui _ Lối Cũ

Ca sĩ, là hai từ chỉ những người nghệ sĩ mang giọng ca, tiếng hát của mình để cho nhiều người có thể nghe, có thể thưởng thức những cái hay từ bài hát, và để cho bản thân họ kiếm tiền nuôi sống bản thân. Ngày nay, những người theo nghề ca sĩ rất nhiều, họ cất cao tiếng hát với niềm đón nhận, yêu mến và tôn trọng của rất nhiều khán giả. Và ca sĩ đã được tất cả mọi người công nhận là một nghề nghiệp chân chính, được người người ngưỡng mộ, thậm chí là săn đón.

Thế nên, thế hệ trẻ ngày nay, mấy ai có thể biết được rằng, ngày xưa, thế hệ của cha ông ta ngày trước, nghề ca sĩ vẫn được gọi tên bằng câu nói khinh miệt “xướng ca vô loài”. Cũng là ca sĩ, cũng mang giọng ca, tiếng hát cho người mọi người, nhưng lại chẳng nhận được lại mấy sự tôn trọng, thậm chí còn bị khinh miệt, xa lánh, xua đuổi vì bị cho là làm công việc “thấp hèn”, mua vui cho những người có tiền.

Thời đó, có chăng chỉ có những người nhạc sĩ mới hiểu hết những tâm tư, tình cảm của những người ca sĩ, những người mà đã mang câu ca, tiếng nhạc của họ đến gần hơn với khán giả yêu nhạc. Nên để một người có cách nhìn khác hơn, cảm thông hơn đối với nghề nghiệp này, với những đam mê của người ca sĩ, nhiều nhạc sĩ đã chọn đề tài này để viết nên những ca khúc. 

Nổi bật nhất trong đề tài này có thể kể đến bộ 3 ca khúc Kiếp Cầm Ca của nhạc sĩ Huỳnh Anh, Phận Tơ Tằm của nhạc sĩ Minh Kỳ - Hồ Tịnh Tâm, và cuối cùng là bài hát mà tôi muốn cùng mọi người nhắc đến ngày hôm nay, bài hát mang tên Tình Đời (hay còn được gọi là Duyên Kiếp Cầm Ca), một sáng tác của nhạc sĩ Minh Kỳ và Vũ Chương.

Bộ ba Lê Minh Bằng_ Anh Bằng - Minh Kỳ - Lê Dinh

 

Bài hát được sáng tác vào khoảng cuối thập niên năm 1960 bởi nhạc sĩ chính là Minh Kỳ và sự giúp sức của nhóm sáng tác Lê Minh Bằng, bởi Vũ Chương chính là một trong số rất nhiều bút danh đã được nhóm nhạc sử dụng. Và vì còn có tên là Duyên Kiếp Cầm Ca nên nhiều người đã lầm tưởng rằng đây là ca khúc của nhac sĩ Huỳnh Anh (có bài Kiếp Cầm Ca mà tôi đã nhắc đến ở trên):

Khi biết em mang kiếp cầm ca

Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát 

cho người người bỏ tiền mua vui

Hỏi rằng anh ơi: Còn yêu em nữa không

Đó chính là hiện thực xã hội của ngày xưa đối với một con người mang nghề nghiệp là ca hát.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Tình Đời” Trình bày: Hùng Cường, Bạch Tuyết


Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tình Đời” Trình bày: Hùng Cường, Bạch Tuyết

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Tình Đời” Trình bày: Như Quỳnh, Chế Linh


Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tình Đời” Trình bày: Như Quỳnh, Chế Linh

 

Có lẽ cô gái ấy đã phải đắn đo, suy nghĩ biết bao ngày mới có thể dám tỏ bày cùng với người của mình yêu. Bởi cô biết rất rõ rằng cô là một người “mang kiếp cầm ca”, nghề nghiệp của cô chẳng được mấy ai xem trọng cả, nhưng cô vẫn làm, vẫn “đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát  cho người người bỏ tiền mua vui”...

Biết là thế, nhưng cô yêu ca hát, cô không thể bỏ được, và cô cũng yêu anh, nên cô đã lấy hết can đảm để nói về việc mà mình đang làm với anh. và cô hỏi liệu rằng khi biết cô là một người mang “kiếp cầm ca” như thế thì “anh ơi! Còn yêu em nữa không?

Nhưng thật hạnh phúc, vì cô đã gặp được một chàng trai cũng yêu cô hết mực. Anh xót xa, anh đau lòng khi nghe cô tỏ bày, và anh đã cất lời rằng “đừng nói nữa em ơi/ xin đừng nói nữa làm gì” - Vì với anh “đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu”. Đó cũng như là một lời bày tỏ, lời khẳng định rằng anh yêu cô, anh thương cô dù cho là bất kỳ ai, làm bất cứ nghề gì, bởi nghề nghiệp nào cũng đáng được tôn trọng, huống hồ gì nghề ca hát, cô chỉ mang lời ca của mình tô thêm những sắc màu tươi đẹp cho đời thôi mà, có gì mà phải chịu sự xa lánh, xua đuổi??!

Đừng nói nữa em ơi

Xin đừng nói nữa làm gì

Anh nghĩ rằng

Đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu

 

Tình yêu, em sợ tình yêu

Vì tình yêu như là hương hoa

Lỡ mai sau em mất người yêu

Em khổ thật nhiều

Những điều đó cô vốn đã biết từ khi cô chọn đi theo nghiệp ca hát, cô đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với nó, nhưng trước tình yêu cô lại do dự. Cô đã thể hiện điều đó trước anh, người mà mình đã đem lòng yêu mến, rằng  “Tình yêu, em sợ tình yêu/ Vì tình yêu như là hương hoa” - Tình yêu là một thứ rất đẹp, rất mê hoặc, rất tuyệt vời, nhưng nếu đã trót đắm chìm vào tình yêu mà “lỡ mai sau em mất người yêu” thì “em khổ thật nhiều”.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Tình Đời” Trình bày: Đan Nguyên, Minh Tuyết

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tình Đời” Trình bày: Đan Nguyên, Minh Tuyết

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Tình Đời” Trình bày: Hùng Cường, Bạch Tuyết

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tình Đời” Trình bày: Hùng Cường

Theo nghiệp cầm ca, cô vốn đã cô đơn, đã u buồn khi ánh đèn sân khấu tắt đi vì những điều tiếng, vì những lời ra lời vào cay nghiệt của người đời, nếu như yêu anh rồi lại mất đi tình yêu ấy thì cuộc sống của cô phải tiếp tục như thế nào đây? Cô sẽ phải buồn, phải cô đơn đến mức nào nữa đây? 

Có lẽ, điều mà cô muốn nói với anh chính là, nếu như anh không thật lòng, đối với anh cô chỉ là một tình cảm thoáng qua, thì xin anh đừng bước tới, đừng trao cô tình yêu để rồi sau này lại cho cô thêm đau khổ, vì cuộc đời cô vốn đã đủ rồi những nỗi buồn và niềm đau.

Ngày mai trên đường phố này

Những đêm khuya có anh đưa về xóm nhỏ

Xa lìa ánh đèn có anh đưa em về bến mơ

Nhưng chàng trai ấy, anh khẳng định lại với cô một lần nữa, rằng cô hãy yên tâm, anh sẽ là điểm tựa của cuộc đời cô trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời. Kể từ ngày mai “đường phố này” vào “những đêm khuya” cô sẽ “có anh đưa về xóm nhỏ”, những khi cô “xa lìa ánh đèn” sẽ “có anh đưa em về bến mơ”.

Kể từ giờ phút này trở đi, cô đã có anh ở bên cùng sẻ chia tất cả những nỗi niềm, những buồn vui trong cuộc sống. Vì anh yêu cô, yêu bằng tất cả tấm lòng, tất cả trái tim và nguyện sẽ đi cùng cô đến hết con đường còn lại của cuộc đời.

Khi trót mang duyên kiếp cầm ca

Em xin bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời

Chỉ cần anh thôi, chỉ cần anh thôi

Còn tin anh nữa thôi

Những câu nói của anh, đã làm cho cô vỡ òa trong cảm xúc, cô hạnh phúc vô cùng vì cuối cùng cô cũng đã tìm được một người yêu mình, tôn trọng mình, và tôn trọng nghề nghiệp của mình. Cô nói cùng anh “Khi trót mang duyên kiếp cầm ca/ Em xin bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời” - dù bằng lòng, dù chấp nhận nhưng lại không tránh được những lúc xót xa, tủi hờn. Nhưng kể từ nay, cô sẽ chẳng quan tâm đến những điều đó nữa, cô “chỉ cần anh thôi, chỉ cần anh thôi” và sẽ “còn tin anh nữa thôi” - còn cuộc đời ngoài kia thì cứ mặc vậy, không để tâm nữa.

Vì xưa nay “đời vẫn thế em ơi/ xin đừng nói đến tình đời” - Cô chỉ cần tin anh, chỉ cần bên anh và chỉ cần nhớ rằng dù “đời là gian dối, nhưng đôi ta mãi còn nhau”. Sẽ là như vậy, luôn là như vậy và mãi là như vậy.

Đời vẫn thế em ơi

Xin đừng nói đến tình đời

Em nhớ rằng đời là gian dối

Nhưng đôi ta mãi còn nhau

Tình yêu, vốn là những điều tuyệt vời, những điều giản đơn giữa người với người. Những cảm xúc sẽ nảy sinh khi những chàng trai, cô gái bắt gặp nhau, cảm mến nhau, rồi yêu nhau, và cũng có thể xa nhau. Nhưng nó lại trở thành một điều xa xỉ với những người mang “kiếm cầm ca” lúc bấy giờ. Những người mến mộ họ, tìm đến họ, nói lời yêu nhưng vẫn không thể nào chấp nhận và tôn trọng niềm đam mê, nghề nghiệp của họ. Vì vậy nên vốn đã cô đơn, đã thiếu thốn tình yêu, khao khát yêu và được yêu nhưng lại sợ tình yêu…


Có lẽ đó chính là điều mà nhạc sĩ Minh Kỳ và Vũ Chương muốn truyền đạt đến tất cả mọi người. Ai cũng xứng đáng được yêu và có tình yêu cùng sự tôn trọng, kể cả những người nghệ sĩ, ca sĩ mang lời ca, tiếng hát đến với mọi người…

 

Tình Đời (Duyên Kiếp Cầm Ca) được hát lần đầu tiên bởi cặp đôi “sóng thần” của làng cải lương là Bạch Tuyết và Hùng Cường. Sau đó thì được Bạch Tuyết thu lại trong băng mangetic, nhưng song ca cùng với ca sĩ Duy Khánh. Cho đến tận ngày hôm nay, bản nhạc vẫn được cất lên rất nhiều, rất hat và rất thiết tha bởi rất nhiều giọng ca tuyệt vời như Chế Linh - Như Quỳnh, Mạnh Quỳnh - Phi Nhung, Lệ Quyên…

Lối Cũ biên soạn