Câu chuyện thú vị trong tuyệt phẩm "Cây Đàn Bỏ Quên" (Phạm Duy) - Yêu tôi hay yêu đàn? _ Lối Cũ

Vào ngày 18/8/2011, trong một chương trình giao lưu âm nhạc mang tính dòng họ được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Phạm Duy được mời đến dự với tư cách là người con họ Phạm, trong đêm nhạc này con trai của ông là ca sĩ Duy Quang cũng đến tham dự và và hát hai bài hát của ông đó là bài Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng và bài Cây Đàn Bỏ Quên.

Khi được một khán giả đặt câu hỏi về hoàn cảnh sáng tác của Cây Đàn Bỏ Quên, nhạc sĩ Phạm Duy dí dỏm chia sẻ: “Tôi làm bài hát “Cây Đàn Bỏ Quên” từ lúc mười tám đôi mươi tuổi, lúc đó tôi tham lắm. Tôi đã được một người yêu tặng một bông hoa, để bông hoa ấy trên cây đàn. Tôi tự hỏi, cô ấy yêu cây đàn hay yêu tôi? Bây giờ tôi già rồi, chắc tôi không cần phải tự hỏi nữa. Cô đó cách đây 80 năm rồi, chắc đã yêu cây đàn và yêu cả người già này nữa”.

Đúng vậy, Cây Đàn Bỏ Quên là một trong những bài hát được ông viết vào giai đoạn đầu trong sự nghiệp sáng tác của mình, khi ông vừa mới “mười tám đôi mươi”. Có lẽ vì vậy những ca từ trong bài hát đem lại cho chúng ta một sự tươi trẻ rất rõ ràng. Một câu chuyện tình yêu của chàng nghệ sĩ cùng “cây đàn” và cùng “Em” đẹp như là giai điệu, là âm thanh “tình tang”, được cất lên bởi cây đàn bằng bàn tay của anh - người nhạc sĩ chơi đàn.

Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
(Tình tang tính tính tình tang)

Câu chuyện bắt đầu vào “hôm xưa”, chàng trai đến nhà cô gái chơi và khi ra về lại “vô tình” “mới nhớ rằng quên cây đàn”. Đó là vật bất ly thân đối với một người nhạc sĩ như chàng, nên đêm về chàng “thao thức mơ màng”, mong sao cho trời nhanh nhanh sáng để anh còn “tìm đến cô nàng ngây thơ”.

Điều này làm cho khán giả nghe nhạc không khỏi thích thú. Mọi người thích thú vì ở đây có lẽ có một sự “láu cá” không hề nhẹ. Chàng nhạc sĩ có khi đã “cố tình” bỏ quên cây đàn thân yêu của mình ở nhà cô gái, để có một cái cớ “hợp tình hợp lý” mà sang nhà “tìm đến cô nàng ngây thơ” của mình vào ngày mai. Hoặc cũng có thể chàng đã tìm được bóng hình khiến mình có thể quên hết mọi thứ trên đời, kể cả cây đàn luôn theo mình trên mọi con đường, và rồi đêm về lại “thao thức mơ màng” vì nhờ sự đãng trí ấy, nhờ vật tri âm mà có thể gặp được nàng nhanh nhất. Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa thì đó cũng chính là một sự đáng yêu của tuổi trẻ, của sự rung động tuyệt vời từ con tim của chàng trai trẻ. Sự háo hức ấy càng được mông chờ, càng được nâng cao khi có những tiếng đàn “tình tang tính tính tình tang” reo vui kèm theo - nó như là tiếng lòng của chàng trai lúc đó vậy.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Cây Đàn Bỏ Quên" Trình bày: Quang Lê, Quang Dũng

Bấm vào để nghe "Cây Đàn Bỏ Quên" Trình bày: Quang Lê, Quang Dũng

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Cây Đàn Bỏ Quên" Trình bày: Duy Quang

Bấm vào để nghe "Cây Đàn Bỏ Quên" Trình bày: Duy Quang

 

Đêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ
(Tình tang tính tính tình tang)

Hôm sau tôi đến nhà em
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi?
(Tình tang tính tính tình tang)

Rồi như nhanh nhất có thể “hôm sau tôi đến nhà em”, bước chân vội vàng, nhanh nhảu, lòng tràn đầy một sự trông chờ. Nhưng chàng đến chỉ thấy “cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi?”, tìm được cây đàn bỏ quên mà lòng chàng bỗng chùng xuống như điệu nhạc “tình tang” đang buồn lê thê mà ngân lên. 

Thoáng một chút thất vọng vì không biết “em đâu rồi” mà chàng không thể gặp được. Nhưng khi nhìn thấy “bông hoa trên phím tươi cười” thì lòng anh cũng như tươi sáng lên cùng với nó. Anh biết rằng bông hoa ấy chính là do “người tiên tặng”, lòng anh reo vui như vừa nhận được một “đoá hoa đời xinh xinh” - như cung đàn reo vui theo lòng anh “tình tang”

Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh
(Tình tang tính tính tình tang)

Rồi anh lại “nâng niu cây đàn” và nắn nót ra từng điệu nhạc  “tình tang” vui tươi nơi cõi lòng đang “say đắm” - Anh say đắm và “nâng niu hoa vàng”, “đoá hoa đời xinh xinh” đã cho anh đầy những mộng mơ tươi đẹp. Nhưng rồi hoa đẹp hoa có đẹp đến mấy thì cũng đến lúc “hoa úa tàn”, hoa thàn khiến cho lòng chàng vương vấn không thôi. Anh miên man trong từng dòng suy nghĩ, không biết rõ rằng mình thực sự là đang “nhớ người hay nhớ hương?” 

Tôi nâng niu cây đàn, tình tang
Đem về say đắm, tôi nâng niu hoa vàng, tình tang
Khi bông hoa úa tàn, tình tang
Lòng tôi vấn vương, nhớ người hay nhớ hương? tình tang

Đàn ôi Thôi cứ lên tiếng than
Hay cứ reo nỗi hoan
Trên đường lên viễn phương
(Tang tình tang tính tang)

Nhưng có là sao đi chăng nữa thì anh cũng sẽ phải bước tiếp “trên đường lên viễn phương” của chính mình. Anh sẽ đem theo niềm thương, niềm vấn vương, và cả sự mơ hồ đó cùng với cây đàn ngày đêm reo “Tang tình tang tính tang”. Tiếng reo đó có thể là “tiếng than” và cũng có thể là “nỗi hoan” mỗi khi những ngày bỏ quên cây đàn ấy lại hiện về, trên mỗi từng bước chân của chàng nhạc sĩ trẻ cùng với người bạn lòng là cây đàn.

Và trong từng bước chân, trên từng nẻo đường, trong từng sự bi ai hoan hỉ của cuộc đời, và vẫn luôn mang trong mình một “tình hoa thắm thiết” anh vẫn “thường hay muốn biết”, vẫn thường hay thắc mắc rằng người xưa ngày ấy trao cho cành hoa ngào ngạt hương đó là vì “Yêu tôi hay yêu đàn? Yêu tôi hay yêu đàn?”

Người ôi ! Tôi thường hay muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn?
Yêu tôi hay yêu đàn?

Câu hỏi trong Cây Đàn Bỏ Quên ấy đến giờ này vẫn từng ngày đang được cất lên, bởi những người ca sĩ - những người kể chuyện khác nhau như Duy Quang, Tuấn Ngọc, Quang Dũng... Ngày xưa, họ hỏi là “hỏi giùm” cho người nhạc sĩ “mười tám đôi mươi” năm ấy. Nhưng bây giờ họ hỏi, có lẽ là hỏi cho chính mình, bởi vì câu trả lời ấy đã được nhạc sĩ Phạm Duy hiểu ra lúc dần về già, rằng: 

“Bây giờ tôi già rồi, chắc tôi không cần phải tự hỏi nữa. Cô đó cách đây 80 năm rồi, chắc đã yêu cây đàn và yêu cả người già này nữa”.