Nhắc đến danh ca Băng Châu là nhắc đến ca khúc “Qua cơn mê” của Trịnh Lâm Ngân. Bà không phải người hát “Qua cơn mê” đầu tiên nhưng là người đã biến tác phẩm này thành một hiện tượng của thập niên 70: “Một mai qua cơn mê/Xa cuộc đời bềnh bồng/Tôi lại về bên em…”.
Danh ca Băng Châu thời trẻ.
Nghệ danh Băng Châu do chính bà tự đặt, mang nghĩa “Viên ngọc lạnh”. Tên thật của Băng Châu là Xuân Mai. Hồi nhỏ, danh ca Băng Châu từng mong muốn trở thành cô giáo dạy văn, dù rằng bà mê ca hát từ ấu thơ, suốt ngày nghêu ngao hát, nhất là khi nằm trên võng ru em.Nữ nghệ sỹ sinh năm 1950. Bà từng miêu tả hoàn cảnh sống của mình từ nhỏ đến lớn bằng hai tiếng, “trôi nổi”: “Sinh ở Bà Rịa, rồi mới về Trà Ôn học mấy năm cấp 1. Lên trung học đệ nhất thì về “Tây Đô”- Cần Thơ học luôn. Học một thời gian quyết định bỏ lên Sài Gòn đi hát”.
Sau này, ước mơ trở thành cô giáo dạy văn nhòa dần, thay vào đó là ước mơ trở thành ca sỹ. Hồi ở ở Cần Thơ bà đã được nhiều người khen có giọng ca, có sắc vóc. Băng Châu học Anh Văn ở một trường của một giáo sư nổi tiếng. Gia đình giáo sư này lại có quan hệ rộng với giới nghệ sỹ. Những nghệ sỹ nổi tiếng nhất bấy giờ như Thẩm Thúy Hằng, Thanh Tuyền… mỗi khi có dịp về Cần Thơ đều ghé qua gia đình giáo sư. Băng Châu là học trò trong trường được chứng kiến cảnh nghệ sỹ nổi tiếng về Cẩn Thơ bỗng nhen nhóm ước mơ trở thành nghệ sỹ: “Thấy ái mộ quá, nghệ sỹ đẹp quá, nhất là chị Thẩm Thúy Hằng, đẹp như tiên. Nghệ sỹ được đi đây đi đó, lại được bao nhiêu người ái mộ, người ta chạy theo chỉ để được nhìn thấy…”, Băng Châu hồi tưởng trong một talkshow tại hải ngoại hồi cuối năm ngoái.
Có một nhà văn từng ngợi ca nhan sắc Băng Châu: Khuôn mặt gợi cảm, cặp môi đầy đặn… (Ảnh: Internet)
Từ nhỏ nữ nghệ sỹ đã có một sở thích đặc biệt: Thích đi du lịch. Người đẹp suy nghĩ giản đơn: Nếu làm cô giáo thì ít có cơ hội đi đó đi đây. Nhưng nếu thành một ca sỹ thì sẽ thỏa mãn sở thích đi du lịch. Năm 1969, Băng Châu lên Sài Gòn, ở nhà ca sỹ Tuyết Nhung vài tháng để hiện thực hóa ước mơ. Nhưng mọi chuyện có vẻ không dễ dàng nên cô gái trẻ trở về Cần Thơ, dự định đi học tiếp. Song khi trở về Cần Thơ, có những chuyện trong gia đình xảy ra không như ý muốn nên người đẹp trở lại Sài Gòn quyết tâm lập nghiệp. Ca khúc đầu tiên Băng Châu thu đĩa là “Nhớ nhau hoài”, song phải đến “Qua cơn mê” Băng Châu mới trở thành ngôi sao sáng.
“Xa phương trời nào, xin em hiểu/Anh vẫn tôn thờ bóng hình em”, Băng Châu từng là “người thương” của cố ca, nhạc sỹ tài hoa Duy Khánh. (Ảnh: Internet)
Một trong những ca khúc nổi tiếng của ca- nhạc sỹ Duy Khánh chính là “Đêm bơ vơ”. “Bóng hồng” trong ca khúc này chính là Băng Châu. Trong talk show tại hải ngoại, nữ danh ca từng tiết lộ hoàn cảnh sáng tác “Đêm bơ vơ”: “Hồi năm 69 tôi từ Cần Thơ lên Sài Gòn 1,2 tháng. Thời gian đó tôi có dịp gặp nhạc sỹ Duy Khánh, anh ấy đem lòng thương mến tôi. Nhưng rồi tự nhiên tôi bỏ đi mất tiêu. Thế nên trong bài có những câu: “Xuân ơi xuân đã đi rồi/Trời bây giờ, bây giờ là trời đông thôi/Đành lòng sao em/Ra đi không nói một câu/Đành lòng sao em/Gieo sầu gieo tủi cho nhau”. Và câu kết: “Anh xa em như chim xa biệt cây rừng/Mai em về, Mai về Mai nhé em”. Tên thật của Băng Châu là Xuân Mai. Cố nhạc sỹ đã gọi tên người trong mộng trong ca khúc “Đêm bơ vơ”.
Ngoài âm nhạc, bà còn đóng phim. Danh ca Băng Châu đóng với Nguyễn Chánh Tín, bà đã rất háo hức, vì Nguyễn Chánh Tín đẹp trai. Sau năm 75, Băng Châu còn có dịp đóng với Nguyễn Chánh Tín trong bộ phim “Giữa hai làn nước”, rồi họ còn có thời gian đi hát chung, đóng kịch chung. Hai nghệ sỹ từng rất thân nhau ở ngoài đời. Băng Châu gọi Chánh Tính là “Người tình điện ảnh” của bà.
Băng Châu và Nguyễn Chánh Tín trong “Vĩnh biệt tình hè” (Ảnh: Internet)
Theo Tiền phong