“Xa Lộ Không Đèn” là tên của một bộ phim tâm lý xã hội của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn được ra mắt vào năm 1973.
Bộ phim là câu chuyện kể về một cô gái tên Liễu, vì loạn lạc chiến tranh nên theo gia đình di dân đến Sài Gòn sinh sống. Cha cô là một thầy giáo dạy học, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên buổi tối chạy thêm xe ôm để kiếm sống. Mẹ cô thì đi bán hàng rong để mưu sinh. Vì gia cảnh nghèo nàn, nên cô bỏ học đi làm thêm phụ gia đình. Cô chọn nghề “gái nhảy”, và trong một lần đi khách cô đã đánh mất đi sự trong trắng. Cha cô biết được thì đã đuổi cô khỏi nhà. Và kể từ đó, cuộc đời cô chính là một vết trượt dài trong con đường lầm lỗi. Không còn gì để mất, cô dấn thân vào con đường xã hội đen vớ những phi vụ, những thanh toán đẫm máu.
Nhạc sĩ Y Vân
Nhạc sĩ Y Vân được giao nhiệm vụ phụ trách chính cho phần âm nhạc cho bộ phim Xa Lộ Không Đèn. Vì vậy nên ông cùng với Nguyễn Minh Trí đã cho ra đời một ca khúc cùng tên, và là chủ đề chính cho bộ phim do nghệ sĩ Thanh Nga đóng chính.
Xem lại bộ phim "Xa Lộ Không Đèn"
Bấm vào để xem phim "Xa Lộ Không Đèn"
Bài hát có nội dung diễn tả cuộc đời chênh vênh của một con người lầm lỗi đang loay hoay, đang cố gắng muốn tìm đường ra nhưng vô vọng:
Trên xa lộ mênh mang trên xa lộ cô đơn
Ôi xa lộ bóng tối im lìm
Tìm có người tìm tình yêu mất đi không còn đến.
Trên xa lộ đêm đen trên xa lộ đua chen
Ôi xa lộ sống chết vô tình
Tình hỡi cuộc tình người đi vết xe đang lăn tròn.
Cô gái nhỏ bé ấy đang lạc lõng trên một “xa lộ mênh mang” nhưng tràn ngập sự “cô đơn” với “bóng tối im lìm” mà đi tìm một “tình yêu mất đi không còn đến”. Cũng trên cái xa lộ đầy “đua chen” ấy thì tình người cũng chỉ là thoáng qua, sự lạnh lùng đến vô tình ấy, làm cho chút tình yêu còn sót lại trong cô cũng “lăn tròn” theo bánh xe của sự đua chen ấy.
Nghe lại ca khúc "Xa Lộ Không Đèn" Trình bày: Carol Kim
Bấm vào để nghe ca khúc "Xa Lộ Không Đèn" Trình bày: Carol Kim
Mất đi tình yêu “cuộc đời sao tăm tối”, “sao u ám” “như xa lộ không đèn”. Cái “xa lộ” (hay vốn là lòng người) nó vô tình đến mức, dù là “một người trong cõi sống” hay là “một người sang cõi chết” thì cũng chỉ như “là giọt nắng sớm” hay là “cánh sương đêm” mà thôi:
Cuộc đời sao tăm tối như xa lộ không đèn
Cuộc đời sao u ám như xa lộ tối đen
Một người trong cõi sống một người sang cõi chết
Chỉ là giọt nắng sớm, cánh sương đêm.
Chính vì cái “xa lộ không tên”, cái “xa lộ khô khan” đó đã vô tình “giết chết tâm hồn” chỉ vừa mới nhìn thấy được cuộc đời của một cô gái. Chưa kịp biết là nó đẹp ra sao, chưa kịp khám phá bao nhiêu cái tình trong đó thì nó đã vội vã“tan biến đi như hình bóng”. Vì ở nơi “xa lộ thênh thang” ấy vốn dĩ không có chỗ dành cho cô, nó đối với cô luôn tràn ngập một màu đen u ám, y như cuộc đời đang sống của cô vậy. Một cuộc sống vô nghĩa, không còn lại gì khác ngoài sự lạnh lùng, vô tình đang giết dần , giết mòn tâm hồn của một người con gái cũng đã từng rất ngây thơ và trong sáng như cô.
Trên xa lộ không tên Trên xa lộ khô khan
Ôi xa lộ giết chết tâm hồn Vừa thấy cuộc đời
Chợt tan biến đi như hình bóng.
Trên xa lộ miên man trên xa lộ thênh thang
Ôi xa lộ tối ám không đèn
Ðường hỡi con đường tình yêu thoáng qua như vô hình.
Nghe lại ca khúc "Xa Lộ Không Đèn" Trình bày: Phương Dung (thu âm trước 1975)
Bấm vào để nghe ca khúc "Xa Lộ Không Đèn" Trình bày: Phương Dung
Bài hát đã truyền tải được hoàn toàn nội dung mà bộ phim muốn truyền tải đến khán giả, truyền tải được tâm tư của một người con gái luôn khao khát tìm lại tình yêu: Tình yêu của những người thân yêu nhất trong gia đình, tình yêu mến của những người ngang qua trên xa lộ không đèn thênh thang ấy, và cả tình yêu dành riêng cho một người là cô mà thôi. Nhưng thứ cô nhận lại chỉ là sự lạnh lùng của màn đêm u tối, dập tắt hoàn toàn hi vọng trong cô.
Trong đoạn kết phim, Liễu bị một đám xã hội đen khác truy sát và bị thương nặng. Cô đã dùng hết chút sức lực còn lại để tìm đường về đến nhà, người thân của cô cũng đem cô đi nhà thương để cứu chữa. Có lẽ cuối cùng cô gái trong phim cũng đã có một lối trở về cho riêng mình, tâm hồn cô cũng sẽ được những tình yêu thương mà cô tìm kiếm bấy lâu chữa lành. Nhưng có lẽ cái tâm hồn đã tổn thương sâu sắc ấy mãi mãi cũng không thể nguyên vẹn trở lại được nữa. Nhưng cho dù vậy thì được sống trong tình yêu của gia đình đến những ngày cuối đời sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời cô ấy, là sự an ủi tuyệt vời nhất cho tâm hồn đã rách nát của cô.
Ca khúc được hát đầu tiên bởi ca sĩ Carol Kim, nhưng có lẽ người hát thành công nhất chính là danh ca Phương Dung.