Trước 1975, phòng trà ca nhạc là địa điểm văn hóa đặc sắc, nơi khán giả đến để thưởng thức những làn điệu trữ tình quyến rũ và chiêm nghiệm vẻ đẹp tâm hồn trong giọng ca của các nghệ sĩ. Phòng trà chính là sân khấu đưa nhiều giọng ca vàng bước ra ánh hào quang.
Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh – 3 danh ca Phòng trà nổi tiếng thời bấy giờ
Phòng trà ca nhạc ra đời vào giữa thập niên 1940, đánh dấu sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam. Năm 1946, 3 nhạc sĩ tiên phong Nguyễn Văn Diệp, Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước đã mở "Quán Nghệ Sĩ" đầu tiên tại phố Bờ Hồ, Hà Nội. Đây là nơi quy tụ nhiều tài năng âm nhạc lớn như Nguyễn Xuân Khoát, vừa biểu diễn tân nhạc vừa trình làng cả nhạc cổ điển.
Sau thành công của "Quán Nghệ Sĩ", nhiều phòng trà ca nhạc khác như "Thăng Long" ở phố Hàng Bông, "Tuyết Sơn" ở phố Thợ Nhuộm, "Thiên Thai" ở phố Hàng Gai... liên tục mọc lên. Chính tại các phòng trà này, thế hệ ca sĩ đầu tiên như Thương Huyền, Mai Khanh, Hoàng Giác, Ái Liên... đã thành danh. Đặc biệt ca sĩ Kim Tiêu với chất giọng ấm áp, sâu lắng đã chinh phục trái tim người nghe, trở thành hiện tượng lớn nhất thời bấy giờ.
Sau khi phong trào phòng trà ca nhạc phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội, Huế cũng bắt đầu xuất hiện một số phòng trà tiêu biểu. Đặc biệt, phòng trà "Tam Tinh" với giọng ca Ngọc Cẩm đã trở thành cái tên nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Đến năm 1954, cùng với sự phát triển rực rỡ của tân nhạc Sài Gòn, nhiều nghệ sĩ miền Bắc di cư vào Nam đã làm phong phú thêm đời sống âm nhạc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của lệnh cấm khiêu vũ, các vũ trường dần chuyển hướng sang kinh doanh dạng phòng trà ca nhạc. Chính điều này đã thúc đẩy phong trào phòng trà bùng nổ, trở thành một nét văn hóa độc đáo của Sài Gòn thời bấy giờ.
Nhưng phải đến cuối thập niên 50 thì phòng trà mới thực sự bước vào thời kì hoàng kim ở Sài Gòn. Không ít ca sĩ đã từ đó mà toả sáng dựa vào tài năng của mình. Vào thời bấy giờ, các phương tiện nghe, nhìn còn rất hạn chế. Hơn nữa việc lăng xê ca sĩ vẫn còn rất xa lạ đối với công chúng. Do đó, hầu hết các ca sĩ lúc này tạo được tiếng tăm, chủ yếu dựa vào tài năng đích thực của mình. Ít người được đào tạo bài bản một cách chính quy, chỉ có một số ít thông qua các lò đào tạo trong một thời gian ngắn. Vì thế, các ca sĩ nổi lên là nhờ chính chất giọng thiên phú và mình, và đặc biệt là chẳng ai hát giống ai cả, mỗi người có một giọng hát riêng biệt, tạo điểm nhấn nhá riêng biệt, giúp cho khán thính giả dễ dàng nhận ra giọng của từng ca sĩ.
Nhắc đến phòng trà ở Sài Gòn trước năm 1975, trước tiên, phải kể đến phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện. Phòng Trà Anh Vũ ra đời vào khoảng cuối năm 1957, lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này sớm được công chúng đón nhận và dần yêu thích như nam ca sĩ Duy Khánh, Việt Ấn và các nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu.
Phòng trà Anh Vũ
Cũng tại phòng trà này, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9 đã đệm dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành công nhạc phẩm đầu tay Ướt mi của Trịnh Công Sơn. Và nữ ca sĩ Thanh Thuý với chất giọng khàn đục đặc biệt, cùng với một ngoại hình sáng với mái tóc dài gợn sóng và vóc dáng thanh mảnh như một nàng thơ đã nhanh chóng lấy được cảm tình của khán thính giả. Cô nhanh chóng được mọi người mến mộ, trở thành một ca sĩ được săn đón bậc nhất thời bấy giờ.
Ca sĩ Thanh Thuý năm 1961
Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất mà phòng trà Anh Vũ đã để lại trong lòng công chúng đó là sự hiện diện hằng đêm của nữ ca sĩ Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long (cùng với Hoài Trung, Hoài Bắc).Tiếng hát trong vắt, ngọt lịm với những luyến láy như rót mật vào tai khán thính giả của Thái Thanh đã thật sự chinh phục hầu hết trái tim người yêu nhạc. Danh ca Thái Thanh hoàn toàn xứng đáng với cụm từ “tiếng hát vượt thời gian” mà cuộc đời dành tặng cho cô.
Ban Thăng Long: Thái Thanh, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Hoài Trung
Bên cạnh phòng trà Anh Vũ nổi tiếng, vào thời điểm đó còn có phòng trà Hòa Bình, tọa lạc ngay tượng nữ sinh Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành hiện nay cũng được nhiều người biết đến. Người mộ nhạc tìm đến đây để được nghe nữ ca sĩ Bích Chiêu (chị của ca sĩ Tuấn Ngọc) thổi hồn nhạc jazz vào những ca khúc trữ tình dịu nhẹ, trong đó “Nỗi lòng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh được coi là ca khúc thành công nhất mà Bích Chiêu trình bày.
Ca sĩ Bích Chiêu
Ngoài nữ ca sĩ Bích Chiêu, phòng trà Hoà Bình còn có nam ca sĩ Cao Thái, với làn hơi dài đã chinh phục người nghe bằng những bài hát ngoại quốc mà tiêu biểu nhất là bài Mexixo. Một Trúc Mai có chất giọng truyền cảm khó có giọng hát nào sánh được trong những ca khúc mang điệu bolero – rumba.
Ca sĩ Trúc Mai
Và chắc chắn không thể không nhắc đến nữ danh ca Bạch Yến, xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn mô tô bay từ thuở bé nhưng sau một tai nạn nghề nghiệp mà dẫn đến thương tật, Bạch Yến đã bỏ cái nghề nguy hiểm đó để bước vào con đường ca hát. Khi gia nhập vào phòng trà Hòa Bình, với giọng trầm hiếm có, Bạch Yến đã nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng khi trình bày ca khúc “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, giọng ca ấy cho đến bây giờ vẫn còn mãi vương vấn trong tâm hồn của bao người.
Ca sĩ Bạch Yến
Đến năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, hoạt động phòng trà ở Sài Gòn càng trở nên sinh động hơn lúc nào hết. Lúc bấy giờ phòng trà đi kèm với vũ trường mọc lên ngày càng nhiều. Chỉ riêng khu vực trung tâm quận 1, đã có đến mấy chục phòng trà. Điển hình như: Maxim, Khánh Ly, Tự Do, Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Orchalet, Rex, Continental, Jomarcel, Thanh Thế, Kim Sơn, Olymya, Văn Cảnh, Tháp Ngà, Rizt, Baccara, Macabane… Khách đến các địa điểm phòng trà – vũ trường này vừa nghe nhạc vừa có thể nhảy đầm. Đây cũng là thời điểm của các giọng ca Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Nhật Trường, Thanh Lan, Caroll Kim, Ngọc Minh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Connie Kim, Cathy Huệ, Julie Quang…lên ngôi.
Cũng phải nói thêm rằng, thời bấy giờ ca sĩ Sài Gòn có thể được chia làm hai nhóm. Một nhóm chuyên hát phòng trà – vũ trường như đã đề cập ở trên.Và một nhóm chỉ xuất hiện ở các đại nhạc hội và những chương trình lưu diễn các tỉnh, như: Túy Phượng, Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Hồng Quế…
(Nguồn từ bài viết của Đoàn Thạch Hãn)