Giai thoại về những tỷ phú Sài Gòn xưa: Sự nghiệp phi thường của “chú Hỏa” và sở thích làm việc thiện giúp người nghèo _ Lối Cũ

Bất cứ người nào từng sống ở Sài Gòn ngày xưa đều ít nhiều nghe nói đến một người có cái tên ngắn gọn: chú Hỏa, là người Việt gốc Hoa có đầy đủ là Hui Bon Hoa (tiếng Việt đọc là Hứa Bổn Hòa). Là một đại phú gia nổi tiếng, xung quanh chú Hỏa còn có nhiều huyền thoại ly kỳ vẫn còn đồn đại đến ngày nay. Ngoài ra, ông còn biết đến là người có tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự hình thành bộ mặt của trung tâm Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19.


Chú Hỏa – Hui Bon Hoa

Theo sự “xếp loại” của dân gian vào đầu thế kỷ 20, thì tại Sài Gòn có bốn người được coi như “đại phú”, đó là: nhất Sĩ, nhị Phương, tam Xường, tứ Hỏa. Dù Chú Hỏa được xếp hàng thứ tư trong nhóm “tứ đại phú gia” này, nhưng theo người đương thời cho biết thì ngôi thứ đó phải ngược lại, có nghĩa là chú Hỏa phải đứng hàng thứ nhất. Lý do là vì 3 người kia là người Việt, lại có quyền thế hơn, nên ngôi thứ của họ được nêu lên đầu.

Trong 3 người còn lại, thì Sĩ là Huyện Sĩ, người bỏ tiền ra xây dựng “Nhà thờ Huyện Sĩ” ở đường Tôn Thất Tùng. Ông Huyện Sĩ tên thật là Lê Phát Đạt, chính là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu. Phương là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, từng hợp tác chặt chẽ với Pháp nên lừng lẫy với cái danh “Việt gian”. Còn Xường tức là Bá hộ Xường, ông trùm các dịch vụ về lúa gạo, công nghệ thời đó.

Vì sao chú Hỏa đã làm giàu được ở đất Sài Gòn, trong khi chỉ là một người Hoa di cư? Về điều này có nhiều lời đồn đại trong dân chúng. Có thông tin từ thời xưa nói rằng khi bỏ quê Phúc Kiến – Trung Quốc để sang Việt Nam lập nghiệp từ năm 1863 (khi đó ông mới 18 tuổi), Chú Hỏa khởi đầu bằng nghề buôn ve chai. Giai thoại nói rằng một lần ông mua được một gánh đồng nát có lẫn trong đó là một gói vàng lớn (có nơi nói đó là cổ vật có giá trị lớn lẫn trong đồng nát), từ đó có số vốn lớn để làm ăn, ngày càng giàu nhờ kinh doanh bất động sản vào thời kỳ lĩnh vực này còn rất sơ khai.

Có một thông tin khác, đáng tin cậy hơn, từ trong bài viết mang tên “Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa” của tác giả Chen Bickun viết năm 2014, với những tư liệu được cung cấp từ chính dòng dõi của Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cho biết về sự thật con đường làm giàu của Chú Hỏa.

 

Theo bài viết này thì vào năm 20 tuổi, chàng thanh niên tên thật là Huáng Wén Huá (Huỳnh Văn Hoa) từ Phúc Kiến – Trung Quốc đến Sài Gòn mưu sinh, may mắn được nhận vào làm trong một tiệm cầm đồ của một người Pháp tên là Antoine Ogliastro.

Nhờ tính siêng năng, cần cù, được lòng chủ, nên chú Hỏa được ông chủ người Pháp tốt bụng giúp vốn để mở tiệm cầm đồ để khởi nghiệp kinh doanh.

Tiệm cầm đồ đầu tiên của Chú Hỏa là căn nhà nằm ở góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay, còn văn phòng làm việc cho ông chủ người Pháp của ông ở trước cửa tiệm bên kia đường, trên một khu đất vẫn còn trống.

Chính khu đất trống này, Chú Hỏa đã mua và xây ba căn sát nhau trên đường Phó Đức Chính, mỗi căn dành cho một người con trai. Căn giữa đặt bàn thờ tổ tiên, Chú Hỏa giao cho con trai lớn, còn hai căn nhà hai bên giao cho hai người con trai còn lại. Ba căn nhà này về sau đã được các người con của Chú Hỏa xây dựng lại trở thành ba tòa nhà nguy nga, được dân gian xưa nay vẫn gọi là nhà Chú Hỏa, nay cả ba tòa nhà này đều được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật.


Nhà chú Hỏa, nay là bảo tàng mỹ thuật

Mở tiệm cầm đồ một thời gian, tích lũy được một số tiền, Chú Hỏa đổ tiền vào ngành bất động sản bằng cách mua trước những khu đất rộng khi nó vẫn còn là đầm lầy hoặc ruộng lúa có giá rẻ mạt.

Một trong những khu đất mà chú Hỏa đầu tư đó đã được người Pháp chọn để xây chợ Bến Thành thay thế cho chợ cũ bên đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) vào năm 1911. Khi này thì Chú Hỏa đã qua đời, nhưng gia tộc Hui Bon Hoa vẫn rất hùng mạnh, đã góp vốn để xây chợ Bến Thành, đồng thời khu đất còn lại xung quanh chợ thì gia tộc này cũng đã xây nhiều dãy nhà thương mại rất lớn để cho thuê. Dãy nhà mái ngói bên cạnh chợ Bến Thành đó vẫn còn lại cho đến ngày nay sau hơn 100 năm.


Những dãy nhà xung quanh Chợ Bến Thành thuộc sở hữu của gia tộc Hui Bon Hoa

Vào thời kỳ Sài Gòn đang chuyển mình từ một thành phố sơ khai lên thành đại đô thị, nhu cầu về nhà ở tăng cao, chú Hỏa là một trong vài người đầu tiên đứng ra kinh doanh nhà, đất. Chỉ trong vòng mười năm, sản nghiệp của Hui Bon Hoa đã tăng lên rất nhanh, với gia sản lên tới 20.000 căn phố ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, thuộc sở hữu của Công ty Hui Bon Hoa và các con do ông thành lập, cùng với các con quản lý.

Với nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và Á Châu nói chung, thường là cha mẹ giàu có sẽ có những người con ỷ lại vào gia sản của gia đình. Nhưng chú Hỏa thì có một cách giáo dục con cái, cũng như cách tổ chức quản lý tài sản rất khoa học và tiến bộ. Ông có nhiều con, tất cả đều được cho học hành đến nơi đến chốn, tất cả đều có ý thức giữ gìn và phát triển gia sản của gia đình.

Một người từng làm việc trong gia đình chú Hỏa, sau này có kể lại rằng, ngay từ lúc chú Hỏa còn khỏe mạnh, ông đã cho lập sẵn di chúc, trong đó phân chia tài sản một cách công bằng và tiến bộ như sau: Tài sản chung chia cho con-cháu thừa hưởng ngang nhau, tuy nhiên không một người nào được tự ý rút số được chia ra để tự tiêu pha, mà tất cả phải qua một hội đồng ủy thác, được chính chú Hỏa ủy nhiệm cho Notaire (chưởng khế) sở tại.

Lúc còn nhỏ, người con của ông hàng tháng được nhận một số tiền nhất định, trong mức vừa phải cho việc ăn uống, học hành và tiêu xài cho đến khi trưởng thành và có gia đình. Khi đó, nếu muốn kinh doanh gì thì phải thông qua hội đồng ủy thác, họ sẽ cố vấn và theo dõi việc làm ăn. Tất cả những điều này nhằm không để cho người con nào ỷ lại vào gia sản mà tiêu xài hoang phí, và cũng là để bảo đảm cho việc kinh doanh của dòng họ Hui Bon Hoa không thua sút ai.

Có lẽ nhờ vậy nên mãi về sau này, suốt trong những năm Pháp thuộc, các con cháu của Hui Bon Hoa vẫn còn quản lý một số tài sản khổng lồ.

Đến năm 1975, toàn bộ dòng họ Hui Bon Hoa sang sống ở nước ngoài, tiếp tục con đường kinh doanh. Dấu tích còn lại dễ thấy nhất ở Sài Gòn bây giờ là tòa dinh thự đồ sộ và hoành tráng của chú Hỏa nằm ở khu tứ giác Phó Đức Chính-Lê Thị Hồng Gấm-Calmette-Nguyễn Thái Bình, ngày nay trở thành bảo tàng Mỹ Thuật của thành phố như đã nhắc đến ở bên trên. Cũng chính từ căn nhà này đã phát sinh ra giai thoại về “Con ma nhà họ Hứa” nổi tiếng đã được dựng thành phim.

Căn nhà này được 3 người con của chú Hỏa xây theo ý nguyện của cha lúc sinh thời, muốn có một căn nhà cho toàn bộ con cháu chung sống nhưng chưa thực hiện. Căn biệt thự lộng lẫy có rất nhiều phòng vẫn còn giữ lại được kiến trúc cũ cho đến ngày nay.

Tòa dinh thự đó chỉ là 1 trong số lượng khổng lồ dinh thự, tòa nhà và nhà đất mà gia tộc Hui Bon Hoa sở hữu. Những người con thừa hưởng gia sản của Hui Bon Hoa đã xây dựng hàng loạt công trình dân dụng như bệnh viện, chùa chiền, trường học… để tặng lại cho chính quyền để phục vụ cho người dân. Trong số này có thể kể đến Y Viện Phước Kiến của người Hoa ở Chợ Lớn (nay là bệnh viện Nguyễn Trãi) và Chẩn Y viện Sài Gòn (thường được gọi là Nhà thương thí, sau gọi là Bệnh viện Đô Thành). Hiện nay, nhà thương thí chính là bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tại số 125, đường Lê Lợi, P Bến Thành, Q1.

Ngoài ra, vào năm 1937, gia tộc Hui Bon Hoa cũng hiến miếng đất riêng với diện tích 19.123m2 trên đường Arras cũ (nay là đường Cống Quỳnh) để xây bảo sanh viện mang tên Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương), ngày nay là bệnh viện Từ Dũ. Có thời gian nơi này được người dân gọi là Nhà sanh chú Hỏa.

Một công trình nổi tiếng khác thuộc sở hữu của gia tộc Hui Bon Hoa là khách sạn Majestic lộng lẫy tráng lệ ở ngay đầu con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn là Catinat, ngày nay là đường Đồng Khởi, đứng ngay bên bờ sông Sài Gòn.


Majestic Hotel ở đầu đường Catinat/Tự Do/Đồng Khởi vào thập niên 1930

Gia tộc Hui Bon Hoa còn bỏ tiền xây chùa Phụng Sơn (1949), chùa Kỳ Viên (1949-1952), Thành Chí học hiệu, nay là (Trường THCS Minh Đức), đồng thời họ cũng tổ chức nuôi cơm những người vô gia cư và xây dựng các công trình công cộng góp phần xây dựng các công trình giúp ích cho cộng đồng.

Ngoài những tòa nhà, dinh thự, công trình đã nhắc tới, gia tộc Hui Bon Hoa còn sở hữu khoảng 20.000-30.000 khu nhà đất khác tại Sài Gòn, một con số khổng lộ và vô tiền khoáng hậu.

Về tên gọi Hứa Bổn Hòa của chú Hỏa, cái tên này được người Việt phiên âm từ tên Hui Bon Hoa của ông. Thực ra cái tên này không phải là tên gốc, mà là tên đã phiên âm ra từ tiếng Hoa. Ông tên thật là Huáng Wén Huá (Huỳnh Văn Hoa). Vào năm 1887, để dễ tạo mối quan hệ hợp tác làm ăn, ông đã xin nhập quốc tịch Pháp và chọn cái tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa, trong đó chữ Hui Bon Hoa được người Pháp phiên âm từ tiếng Trung. Vì vậy cho đến nay Hui Bon Hoa đã trở thành họ của cả gia tộc, và con cháu sau này của ông đều mang họ là Hui Bon Hoa, chỉ khác nhau ở cái tên ở đầu. Trong số những người con của Chú Hỏa có 3 người trai được xem là “siêu hạng”, đã nối tiếp cha làm rạng ranh gia tộc, phát triển sản nghiệp, đó là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa).

Vào năm 1901, trong lúc Chú Hỏa cùng vợ về thăm Trung Quốc, ông đột ngột qua đời khi mới 56 tuổi và được chôn cất ngay tại quê nhà Phúc Kiến. Những người con của ông đã đồng lòng cùng quản lý và phát triển sản nghiệp khổng lồ của dòng họ Hui Bon Hoa cho đến năm 1975.

Trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa phát hành năm 1960 ở Sài Gòn, học giả Vương Hồng Sển cho biết: “Đến nay (1960) các con cháu (Hui Bon Hoa) luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn, không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc (nay gọi là giải ngân)”.

Sau khi Chú Hỏa mất, chính quyền Pháp đã đặt tên Hui Bon Hoa cho một con đường đi ngang qua một khu đất rộng lớn ở khu vực ngày này là Quận 10. Sau 1955, con đường này đổi tên thành Lý Thái Tổ.

Tại xã Nessa thuộc đảo Corse ở Địa Trung Hải cũng có một con đường mang tên Hui Bon Hoa, để ghi nhớ công lao gia tộc Hui Bon Hoa đã đóng góp 25 ngàn franc cho làng giúp cải tạo vỉa hè vào năm 1930.

Những giai thoại khác về con đường làm giàu của “chú Hỏa”

Trước khi được những hậu duệ trong gia tộc xác nhận con đường làm giàu của chú Hỏa là nhờ làm tiệm cầm đồ, có vốn rồi sau đó buôn bán bất động sản (như đã ghi ở bên trên), thì suốt trong 100 năm, có rất nhiều giai thoại, lời đồn đại về sự giàu có của chú Hỏa:

Ngoài giai thoại về việc buôn ve chai nhặt được đồ cổ đã nhắc đến, thì cũng có người nói rằng Chú Hỏa được đổi đời kể từ khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa vốn có nghề phân kim đã mua lại số hàng này và đã tách thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị, từ đó trở nên giàu có.

Giai thoại khác nói rằng Chú Hỏa vốn dòng dõi nhà Minh, do ly loạn nên tạm chôn giấu của cải để lánh thân, về sau trở lại quê nhà đào số của cải gia bảo ấy lên, đem qua Việt Nam làm vốn hùn hạp với người Pháp rồi dần dà phát đạt. Tuy nhiên Chú Hỏa di dân từ nửa cuối thế kỷ 19, không phải người Minh Hương từ thế kỷ 17. Hơn nữa, nếu Chú Hỏa có tài sản thì không có lý do gì phải phiêu dạt sang tận Việt Nam làm ăn.

Một giai thoại nữa cho rằng Chú Hỏa rất rành phong thủy nên đã an táng mộ cha đúng long mạch, nhờ vậy mà làm ăn trở nên phát đạt nhanh chóng. Câu chuyện này thì càng hoang đường và không có gì để kiểm chứng.