Nhạc sĩ Hoài Linh là một con người rất đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ vì tài năng trong âm nhạc của ông, và ngưỡng mộ cả tình yêu thủy chung của ông dành cho gia đình, dành cho người vợ thân yêu của mình.
Có lẽ vì thế mà ông nhận được trọn vẹn sự yêu thương của gia đình, nhận được sự kính trọng của các con ông. Theo như các con ông, thì người nhạc sĩ đáng kính của chúng ta không có một bóng hồng nào vương vấn ngoài vợ mình. Tình cảm của hai người khiến cho họ cũng phải ngưỡng mộ vô cùng. Vì vậy nên, những sáng tác của ông đều được lấy cảm hứng từ “bóng hồng” duy nhất này. Mặc dù những câu chuyện tình đều do ông tưởng tượng ra, nhưng người con gái trong những câu chuyện đó đều vương vấn hình ảnh của người con gái mà ông thương. Và có lẽ vì ông đã và đang hưởng được niềm hạnh phúc một cách trọn vẹn nhất nên hầu như những câu chuyện tình của ông đều có những kết thúc rất có hậu. Nhạc tình của ông cũng vì thế khiến cho người nghe rất thoải mái và thường có một cảm giác rất mãn nguyện.
Nhạc sĩ Hoài Linh
Căn Nhà Màu Tím chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều tôi vừa nói trên. Người con gái trong câu chuyện tình này chính xác là bóng hình của người vợ ông. Thậm chí căn nhà trong bài hát cũng chính là nhà cũ của ông. Và câu chuyện cũng kết thúc rất vừa lòng chúng ta, rất viên mãn như chính cuộc tình của ông.
Ông sáng tác Căn Nhà Màu Tím vào năm 1968. Năm đó, nhà ông được dỡ bỏ để xây mới sau 20 năm vất vả dành dụm. Căn nhà cũ của ông chính là một căn nhà màu tím mà ông cùng với vợ đã trải qua gần nửa đời người. Vì thế nên những tình cảm dành cho nó không hề ít, nên ông đã sáng tác ra bài hát này để lưu giữ lại những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời mình. Từ những hình ảnh thật, tình cảm thật, ông đã viết nên một câu chuyện tình lay động lòng người nơi căn nhà màu tím:
Chiều nhìn qua đầu ngõ, dâng dâng niềm thương nhớ
dáng xinh xinh một người.
Ðược nghỉ năm ngày phép, mất hai hôm làm quen
em mới cho mình biết tên.
Cuộc đời chinh chiến, quanh năm với bưng biền,
thì gót liễu mong manh, làm sao bước song hành
Anh chỉ e ngại, gió lay nụ tầm xuân vừa hé…
Câu chuyện mở ra một cách rất nhẹ nhàng và thơ mộng nơi “đầu ngõ” với bóng dáng “xinh xinh” của một người em gái. Người mà khiến cho anh lính “quanh năm với bưng biền” phải dùng mất hai ngày phép mới biết được tên của nàng. Nhưng anh cũng e ngại rằng nếu như cô theo anh cuộc sống sau này sẽ muôn vàn khó khăn, vì cô vốn là “gót liễu mong manh”. Thế nên dù hai người đã bắt đầu cảm mến nhau thì anh vẫn có chút lo lắng những cơn gió sẽ làm tổn thương “nụ tầm xuân vừa hé”. Nhưng mỗi khi anh về ngang “căn nhà màu tím” thì tâm hồn không thể ngừng xao xuyến vì “biết em đang trộm nhìn”. Và cũng không thể ngăn được tâm trí mà mơ mộng đến những ngày hạnh phúc xa xôi. Anh cũng hiểu được lòng của người con gái ấy, cũng hiểu được những lo lắng, trăn trở vì phận người con gái sướng hay khổ đều nhờ vào bến đỗ tình yêu. Nhưng biết thế nào mà chọn lựa, nên họ chỉ mong gặp được “bến trong” để cho “khỏi hờn duyên má hồng”
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Căn Nhà Màu Tím" Trình bày: Chế Linh - Hương Lan
Bấm vào để nghe "Căn Nhà Màu Tím" Trình bày: Chế Linh - Hương Lan
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Căn Nhà Màu Tím" Trình bày: Phi Nhung - Mạnh Quỳnh
Bấm vào để nghe "Căn Nhà Màu Tím" Trình bày: Phi Nhung - Mạnh Quỳnh
Chiều nào khi về đến, ngang căn nhà màu tím
biết em đang trộm nhìn.
Vào mộng chưa tỏ lối bến mơ đang chờ nơi
chưa thấy ai vừa ý thôi.
Đời người con gái, mưa sa giữa lưng trời,
hạt xuống giếng ngậm ngùi, hạt rơi luống hoa cười.
Ai chẳng mong, gặp bến trong khỏi hờn duyên má hồng...
Anh cũng rõ nhất là đời anh phải phiêu bạt đó đây. Nhưng dù cuộc sống của anh không cố định nhưng tấm lòng anh lại cố định. Vừa gặp em là anh đã thương đến quên cả lối về. Anh thương đôi môi em luôn tràn “đầy nhựa sống”, thương ánh mắt em luôn luôn “dào dạt sóng”, và thương tất cả nơi con người tràn đầy nét “xuân son” ấy.
Đời anh đây đó mười phương,
gặp em anh đã thương, càng thương.
Thương đôi môi đầy nhựa sống.
Thương tia mắt dào dạt sóng.
Tuổi ngọc xuân son, nét ngà quấn trăng tròn
Nên khi biết được em cũng như anh, cũng thương anh “cao vút” tựa “Trường Sơn” thì anh không còn mong ước gì hơn nữa. Anh chỉ mong được cùng em đi hết những tháng ngày còn lại của cuộc đời, và cùng với em tận hưởng hương vị của “trái ngọt” trong tình yêu. Ở phần ca từ này, nhạc sĩ sử dụng ngôn từ có chút táo bạo, nhưng nó lại rất là đời, rất là chân thực. Ông đã nhìn thẳng, nói trúng vào những ước mong của một chàng trai khi thật lòng yêu một cô gái. Rằng chỉ mong có được người con gái đó cho riêng mình kể cả về thể xác lẫn linh hồn.
Tình em cao vút Trường Sơn
gặp em anh ước mong gì hơn.
Cho anh bông hồng còn thắm,
cho anh trái ngọt vườn cấm,
và còn cho nữa tiếng ru trẻ thơ.
Nẻo đời muôn vạn lối, yêu nhau vì lời nói,
mến nhau qua nụ cười.
Dặn dò thêm lần cuối, sách trao cho bầy em,
lưu bút ghi vài đứa quen.
Ngày lành hăm sáu, hai mươi chiếc xe màu
chở đám cưới cô dâu cài hoa trắng sang cầu.
Ta nhìn nhau, tia mắt trao một nụ hôn ban đầu …
Nhưng những ý nghĩ táo bạo đó chỉ là ở trong mong ước mà thôi. Còn thực tại, họ yêu nhau, họ mến nhau là “vì lời nói”, và qua những “nụ cười” của những buổi đầu e thẹn, của những lần hẹn hò thoáng qua, và của những nhớ nhung trao gửi khi xa cách nhau. Và qua biết bao nhiêu ngày tháng đó, cuối cùng họ cũng đến được với nhau. Vào một ngày đẹp trời, “ngày lành hăm sáu”, “hai mươi chiếc xe màu” đã nối nhau trên đường để đi đón cô dâu. Dưới sự chúc phúc của gia đình, và vài người bạn thân, họ trao nhau ánh nhìn hạnh phúc. Và chuyện gì đến sẽ đến, “nụ hôn ban đầu” được chàng trai trao gửi như là lời hứa bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc chỉ có hai người, cùng một “căn nhà màu tím” - là căn nhà mang màu sắc tình yêu thủy chung của cả hai người.
Trước năm 1975, bản thu âm của ca sĩ Giáng Thu và Giang Tử trong băng Sóng Nhạc 5 là bản nhạc gần như đạt đến mức độ hoàn hảo nhất. Đã mang đến cho người nghe những cảm xúc tuyệt vời nhất.
Sau năm 1975 bài hát được cặp đôi song ca vàng Chế Linh và Hương Lan thể hiện lại cũng tuyệt vời không kém. Sau đó lại có Mạnh Quỳnh và Phi Nhung…
Qua đó ta có thể cảm nhận được sự tồn tại bất tử của Căn Nhà Màu Tím là vượt cả không gian và thời gian.
Lối Cũ biên soạn