Nguyễn Văn Đông nguyên là một bộ binh cấp cao trong Quân lực Việt Nam cộng hòa, mang cấp bậc Đại tá. Ngoài ra ông còn được biết đến là một nhà sản xuất âm nhạc và là một nhạc sĩ nổi tiếng. Không chỉ thế, ông còn phát hiện và là một người thầy đào tạo nên các tên tuổi nổi tiếng như Giao Linh, Thanh Tuyền.
Trong sự nghiệp sáng tác của ông, có một bài hát mang tên là Chiều Mưa Biên Giới. Đây là một bài hát được ông sáng tác vào năm 1956. Đây được xem là sáng tác đầu tay và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
Theo như lời kể của chính nhạc sĩ. Năm đó ông còn là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười. Là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Trong một lần ông dẫn đầu một nhóm biệt kích, bí mật đi nghiên cứu chiến trường dọc theo biên giới Miên - Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về thì gặp cảnh “trời chiều gió lộng”, mưa gào như vuốt mặt. Giữa một cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, từng chập gió buốt kéo về như muối xát vào thịt da. Mà đường về tiền đồn thì còn rất xa. Từ trong cái cảnh éo le ấy, từng giai điệu của Chiều Mưa Biên Giới như được nhen nhóm lên trong lòng ông.
Trong lời đề tựa của bài hát ông còn ghi lại: “Kính tặng các chiến sĩ một nắng hai sương lao mình nơi tiền tuyến. Kỷ niệm Đồng Tháp Mười (Biên giới Việt - Cambod 1956)”
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
người về bơ vơ
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” Trình bày: Hà Thanh (thu âm trước 1975)
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Chiều Mưa Biên Giới” Trình bày: Hà Thanh (thu âm trước 1975)
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” Trình bày: Thanh Tuyền
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Chiều Mưa Biên Giới” Trình bày: Thanh Tuyền
Câu hỏi mở đầu bài hát như là một sự vô định. Trong chiều mưa, chàng lính trẻ không biết đang đi về đâu, như chưa xác định được phương hướng nên vẫn đang đứng ngóng ngay đầu sông (là vùng sông Hồng Ngự - Tân Châu, nơi khởi nguồn con sông Mê kông của biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc vùng Đồng Tháp Mười). Rừng chiều thì ngập trong màn mưa giá buốt, con người thì bơ vơ trong vô định đang mải miết tìm kiếm một con đường trở về nhanh nhất. Nhưng đó chính là số phận đã định, là số phận của một người lính canh giữ nơi biên giới. Anh chỉ biết nhìn về phương xa mà trông ngóng với một nỗi lòng hiu quạnh. Vì tình anh giờ chỉ dám trôi theo những đám mây chiều hoang. Nhìn là cờ “tung bay phất phới” trong chiều, lòng anh tràn ngập một nỗi nhớ không tên. Hay nỗi nhớ đó vốn anh không dám nghĩ tới, ngay cả tương lai ngày mai anh còn không biết được, sao mà dám nhớ thương ai nữa. Đó như là một quy luật tự nhiên mà từ lâu anh đã xem đó là hướng đi, là cuộc đời của mình. Nó tự nhiên như những ngày trăng tròn rồi lại khuyết, như hoa nở rồi lại tàn, như bầu trời trên đầu anh sau những chiều mưa sẽ lại tràn một màu xanh vậy:
Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ
Nhưng cũng tự nhiên như mọi vật, làm sao con người lại có thể ngăn được nỗi nhớ. Nó cứ thế nhẹ nhàng ùa về trong màn đêm xuống. Nhìn ngắm vầng trăng nơi rừng thiêng, hình bóng ấy cứ như rõ mồn một hiện về trước mặt anh. Dù là đang xa cách tận chân trời, nhưng lại gần ngay trước mặt. Nỗi nhớ ấy như cứa vào tâm can của những người nghe nhạc như chúng ta vậy,
Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm
Nhưng vẫn vô định như thế, con đường trở về của anh vẫn chưa xác định được. Anh chỉ biết nhiệm vụ của một người lính nơi biên giới. Là phải tiếp tục gìn giữ “lưng trời nhớ sắc mây pha hồng”, gìn giữ “đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng”. Dù có có cô đơn, có chút buồn, chút nhớ nhung, chút vương vấn nơi bóng hình ở quê nhà. Nhưng trước mắt thì phải tiếp tục công việc ca cả nơi đây, vậy mới có thể thấy được những con đường đi nhỏ ở phía trước. Nhìn thấy con đường về nơi hậu phương. Vì “đường trần mưa bay gió cuốn” vẫn còn rất nhiều phía trước, nên tình duyên đôi lứa cũng đành gác lại. Cả người ở chiến trường, và người nơi hậu phương đều hiểu điều đó. Nên chỉ cần lòng họ luôn hướng về đối phương. Luôn tin tưởng sẽ có ngày sẽ được trở về bên nhau, và tiếp tục một cuộc sống yên bình và hạnh phúc.
Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi
Bài hát này đã được ca sĩ Hà Thanh thể hiện rất thành công (cô là một tên tuổi có thể nói là gắn liền với các ca khúc của Nguyễn Văn Đông). Và người học trò xuất sắc của ông, ca sĩ Thanh Tuyền cũng đã thể hiện bài hát này rất là tình cảm và da diết. Ngoài ra tôi cũng rất mến mộ giọng ca của ca sĩ Hương Lan qua những lời ca của Chiều Mưa Biên Giới.
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Tình Đời” Trình bày: Hương Lan
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tình Đời” Trình bày: Hương Lan
Lời bài hát “Chiều Mưa Biên Giới” Tác giả: Nguyễn Văn Đông
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
người về bơ vơ
Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ
Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm
Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi
Lối Cũ biên soạn