Nhắc đến Trịnh Công Sơn và nhạc của ông tôi thường có một cảm giác rất mơ màng. Những gì tôi cảm nhận được từ những giai điệu, những câu từ mà ông mang lại đó chính là một sự mơ hồ khó tả. Dường như đôi lúc tôi có thể hiểu được, và hiểu một cách rất sâu sắc. Nhưng dường như đôi lúc lại chẳng thể hiểu được gì cả. Và đôi khi tôi lại thấy nhạc của ông rất chân thực, rất bình dị nhưng cũng có lúc lại cảm thấy nó quá cao siêu và mình không thể với tới được. Đến bây giờ tôi vẫn không sao có thể lý giải được vì sao lại như thế.
Có lẽ là vì suy nghĩ của một người nhạc sĩ và một “người thường” khác nhau chăng? Có thể là vậy nhưng cũng có thể không phải vậy. Nhưng sự đa tình thì tôi thấy người nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn có thừa. Và mỗi lần ông trao gửi tình cảm đều bằng một cách khác nhau, một sự nhìn nhận khác nhau nhưng đều đẹp một cách rất lạ thường. Đặc biệt là những tình cảm của sự rung động đầu đời của ông trong bài ca bất hủ Diễm Xưa.
Diễm Xưa là một trong những nhạc phẩm đầu tay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài hát được ông viết vào năm 1960, và được lấy nguyên mẫu từ một người con gái có tên là Ngô Vũ Bích Diễm. Người con gái đó được xem là nàng thơ đầu tiên và duy nhất trong bài hát này của ông. Và là một mối tình đầu đứt đoạn đầy day dứt trong đường tình của người nhạc sĩ đa tài này (Có người nói là mối tình đã được bắt đầu nhưng sau đó hai người chia tay, nhưng cũng có người nói rằng họ chưa thực sự chính thức bắt đầu mối tình đã phải chấm dứt vì e ngại những khó khăn phải bước qua).
Ngô Vũ Bích Diễm
Đó là những năm đầu của thập niên 60, lúc gia đình nhạc sĩ vì kinh tế sa sút nên phải chuyển đến một căn nhà nhỏ hơn nằm ở đầu cầu Phủ Cam. Hằng ngày ông đứng trên lầu ngắm những cô nữ sinh trường Đồng Khánh đi học ngang qua cây cầu, Và tình cờ cô gái tên Diễm ấy đã lọt vào mắt xanh của ông. Bất kể ngày nắng hay là mưa ông đều trông ngóng bóng dáng của cô gái ấy, cho đến một ngày không còn nhìn thấy nữa khiến cho tâm hồn ông tràn ngập một nỗi cô đơn rất khó tả. Ban đầu, ông đem những cảm xúc đó viết thành lời thơ, sau đó thì phổ nhạc cho chính những lời thơ đó, và tạo nên một tác phẩm để đời như ngày hôm nay:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Diễm Xưa" Trình bày: Khánh Ly
Bấm vào để nghe ca khúc "Diễm Xưa" Trình bày: Khánh Ly
Những ca từ ông viết nên thật sự, thật sự rất khó có thể lý giải. Như là “dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”, câu này thực sự tôi không thể giải thích rõ ràng ý nghĩa của nó, tôi chỉ cảm nhận rằng đây là ông đang tả một người con gái mang một nét đẹp mong manh và trong mắt cô lúc ấy có lẽ như đang tràn ngập một màu xanh của sức sống tươi trẻ nhất. Hay là câu đầu tiên “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” tôi cứ nghĩ nó đơn giản là ông đang tả cảnh mưa trên những tháp cổ ở cố đô Huế - nơi mà ông đang sống. Nhưng hóa ra ngoài ý nghĩ “đơn sơ” đó của tôi, tác giả còn muốn nói đến một ý khác, đó là hình ảnh “tháp cổ” ba tầng của người phụ nữ. Nếu như không được tác giả diễn giải ra thì mấy ai có thể hình dung ra được ý nghĩa thực sự đó. Điều đó khiến tôi càng trở nên mơ hồ khi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Diễm Xưa" Trình bày: Quang Dũng
Bấm vào để nghe ca khúc "Diễm Xưa" Trình bày: Quang Dũng
Mặc dù vậy tôi vẫn hình dung ra được từ những ca từ ấy là có một chàng trai si tình, đang hằng ngày trông ngóng bóng dáng người con gái mà anh đem lòng yêu mến. Và khi cô gái xuất hiện trong màn mưa ấy, nó thật đẹp làm sao khi chàng có thấy từng hạt mưa “bay trên tầng tháp cổ”, thấy dáng người nhỏ nhắn mong manh quen thuộc với đôi mắt sáng ngời ấy. Và rồi chàng trai như nghe thấy âm thanh của lá thu, của hạt mưa reo vui theo từng bước chân của cô gái. Chàng cứ mải mê ngắm nhìn cho đến khi hình bóng đó mất hút trên con đường dài thăm thẳm. Và tâm hồn anh cũng đã vương vấn theo từng bước chân của cô, nhưng có lẽ vì không thể theo kịp nên hồn anh chợt “ xanh buốt cho mình xót xa”.
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Rồi một buổi chiều, cùng những giọt mưa vẫn rơi trên những hàng cây, con phố quen thuộc. Anh cũng vẫn ở đây ngóng chờ một hình bóng nhưng sao không thấy cô đâu. Tâm hồn anh cứ thế chơi vơi kiếm tìm bóng dáng ấy. Rồi chợt thổn thức rằng “nhỡ mai” không còn được gặp cô gái ấy nữa thì chắc anh sẽ phải chìm đắm “trong cơn đau vùi”. Anh thổn thức rằng làm sao để “có nhau” trong khi cô gái chỉ muốn đi về thật nhanh không để ý gì đến một chàng trai đang tương tư mình là anh. Nên có lẽ vì thế mà chàng trai mới cảm nhận được nỗi đau đang in hằn mỗi lúc lên tâm hồn mình.
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Diễm Xưa" Trình bày: Trọng Tấn
Bấm vào để nghe ca khúc "Diễm Xưa" Trình bày: Trọng Tấn
Theo cảm nhận của riêng tôi thì đoạn kết ca khúc Nhạc sĩ tự ví mình là như biển, là “những vết chim di”,là “miền đất rộng” là những “bia đá”. Còn cô gái là cơn mưa đi ngang cuộc đời mình, cứ vô tình lặp đi lặp lại, đến rồi đi không lưu luyến. Cơn mưa cứ thế đến, làm cho biển xốn xang rồi lại vô tình đi qua. Nó đâu biết rằng nó đã gieo rắc một tình yêu, một sự nhung nhớ trong tâm hồn của những thứ mà nó ban phát. Đến bia đá cũng biết đau cơ mà. Nhưng dù vậy thì ông cũng xin một lần thôi cũng được, “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng”, để “người phiêu lãng quên mình lãng du”, vì ngay cả “sỏi đá cũng cần có nhau” huống hồ gì là con người?
Có lẽ ông cũng biết mối tình này chỉ đến thế thôi, nhưng dù cho có thế nào đi nữa đó cũng là những tình cảm đầu đời tươi đẹp. Nên ông nguyện sẽ lưu giữ nó suốt cả chặng đường phiêu lãng còn lại của cuộc đời mình. Và khi nhớ về nó, nghĩ đến nó ông sẽ quên bớt đi những thứ vô nghĩa mà mình đã trải qua. Và nhớ rằng, mình cũng từng có những khoảnh khắc tươi đẹp đầy màu sắc trong cuộc đời.
Và tất nhiên, nhạc của ông luôn gắn liền với một cái tên thể hiện xuất sắc ca sĩ Khánh Ly. Cô còn thể hiện bài hát này bằng tiếng Nhật ở hội chợ Osaka vào năm 1970 (được dịch với tựa đề là Utsukushii mukashi), và sau đó bài hát này đã trở thành 1 trong 10 bài tình ca hay nhất mọi thời đại tại Nhật Bản.
Ngoài cô ấy ra thì có rất rất nhiều người đã thể hiện lại ca khúc này vì thực sự độ phổ biến của nó phải nói là quá rộng rãi. Đặc biệt nó là một trong hai ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng trong một bộ phim có tên Em Là Bà Nội Của Anh (được làm lại từ một phim của Hàn Quốc) do Miu Lê đóng chính và kiêm luôn việc thể hiện hai ca khúc đó. Bài hát cũng vì thế được thổi thêm một làn gió mới vào sự nổi tiếng sẵn có của nó. Và bước vào cả thế giới của những người chưa bao giờ biết đến nhạc của Trịnh Công Sơn.
Thủ bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Lối Cũ biên soạn