Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Nỗi Lòng Người Đi" - Tuyệt phẩm đầu tay của nhạc sĩ Anh Bằng, viết cho những người con xa quê _ Lối Cũ

Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật là Trần An Bường, ông sinh năm 1926 tại Thanh Hóa, đến năm 2015 thì qua đời sau 8 năm chống chọi với căn bệnh ung thư tại tư gia ở quận Cam, California, Hoa Kỳ. Ông là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng lẫn nhạc hải ngoại. Nhạc sĩ còn là thành viên nhóm Lê Minh Bằng, và là người sáng lập nên Trung tâm Asia (là một công ty sản xuất các chương trình ca nhạc của người Mỹ gốc Việt, thành lập vào 1982).

Vì gặp một biến cố lớn, gia đình nhạc sĩ Anh Bằng đã di cư vào Nam vào năm 1954 (khi vào Sài Gòn thì định cư ở khu Bà Chiểu). Không chỉ gia đình của nhạc sĩ Anh Bằng, sự tang thương của chiến tranh đã dẫn đến sự loạn lạc và tang thương cho biết bao nhiêu là số phận của những con người Việt Nam. Điều đó từ thập niên những năm 1940 đến thập niên những năm 1950 đã được rất nhiều nhạc sĩ phác họa lại bằng những cung bậc cảm xúc rất riêng của chính mình như là Trở Về của Minh Kỳ, Quê Mẹ của Thu Hồ, Thuyền Viễn Xứ. Tình Hoài Thương của Phạm Duy…

Mời quý vị nghe ca khúc “Nỗi Lòng Người Đi” Trình bày: Elvis Phương

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Nỗi Lòng Người Đi” Trình bày: Elvis Phương

Nhưng đến năm 1954, trong đỉnh điểm của làn sóng di dân vào Nam, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác ra những tác phẩm tưởng nhớ về xứ sở Bắc Kỳ của mình, và có lẽ được yêu mến nhất là Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng.

Nỗi Lòng Người Đi được nhạc sĩ công nhận là tác phẩm đầu tay của chính mình dù nó ra mắt và được biết đến sau một vài ca khúc của ông, nhưng ông đã dùng trọn vẹn 10 năm nung nấu, viết rồi sửa chữa… rất nhiều lần mới cho ra mắt bài hát vào năm 1965. Và thật không uổng công vì đã được công chúng lúc đó đón nhận rất nồng nhiệt, đặc biệt là những con người xa quê:

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu

Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều

Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ?

Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa

Câu hát mở đầu “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu” không biết đã làm xao xuyến biết bao nhiêu là trái tim của những con người đồng cảnh ngộ khi ấy. Những con người vì thời cuộc bắt buộc phải rời quê hương đi tìm bình yên nơi chốn khác. Khi họ bước chân ra đi là “bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều”, nhưng họ biết phải làm sao hơn? Dù yêu thương, dù luyến tiếc và vấn vương không nỡ nhưng “Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ?” ngoài việc quay đầu nhìn lại những kỷ niệm yêu dấu ngày xưa, ngày mà “Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong” - Và tự hỏi rằng bao giờ mới có thể quay trở lại nơi đây một lần nữa.

Mời quý vị nghe ca khúc “Nỗi Lòng Người Đi” Trình bày: Hương Lan

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Nỗi Lòng Người Đi” Trình bày: Hương Lan

Rồi khi rời đi là anh (nhân vật tượng trưng trong bài hát) đã “bỏ quên” lại một mối tình vừa mới chớm nở trong tầm hồn của chính mình, “bỏ quên” cô gái nhỏ vừa mới “mười sáu xuân tròn đắm say” với “đôi tay ngọc ngà dương gian” và “tình ái em đong thật đầy”. Và biết bao nhiêu ngày họ đã cùng nhau hẹn hò trong niềm hạnh phúc nơi hồ nước trong mát xanh tươi, rồi những ngày chàng ôm đàn nàng cất tiếng ca cùng san sẻ niềm vui ngày ấy cũng đã trở thành một quá khứ mà anh không thể trở về được nữa. Đành thế thôi phải chấp nhận “nay khóc tơ duyên lìa tan” mà thôi.

Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say

Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy

Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng

Nay khóc tơ duyên lìa tan

Biết ngày rời đi không biết được ngày trở lại, tâm tư trĩu nặng cả cõi lòng của anh. Anh biết tìm nơi đâu những ân ái ngày nào lúc còn bên nhau. Giờ đây hình ảnh cô chỉ còn trong kỷ niệm, trong ước mong của một ngày trở lại. Nhưng dù muốn anh cũng không thể nào trề nơi ấy được, nơi đó dù có người anh yêu, dù là quê hương với từng kỷ niệm in dấu mà “Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi”. Một con người bình thường như anh không thể nào tránh được sự giằng xé của thời cuộc vô tình như vậy, nên anh chỉ đành xuôi theo dòng đời mà bước chân ra đi tìm kiếm một chút hy vọng sẽ được gặp lại người xưa, sẽ được cùng người mình yêu gặp gỡ một lần nữa, nên trong anh “Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ”.

Giờ đây biết ngày nào gặp nhau

Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu

Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời 

ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi

Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ


Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui

Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi

Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời

Tôi hái hoa tiên cho đời, để ước mơ nên đẹp đôi

Hôm nay đây, trên đất Sài Gòn anh được nhìn thấy sự phồn hoa nơi phố thị với “bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui”. Cuộc sống của anh đã bớt đi được những đắng cay, ngậm ngùi của những ngày cơ cực chốn quê nhà nhưng mà anh không thể nào hòa chung vào không khí nơi đây. Nhìn người người vui cười qua lại trên phố xa nhộn nhịp, lòng anh sao thấy trống vắng đến lạ lùng. Những nỗi nhớ, niềm vấn vương, thương sầu cứ theo anh “đi trong bùi ngùi”. Rồi anh quyết tâm, vực dậy tinh thần ở cái nơi tươi đẹp này, ở cái nơi mà anh tin rằng “mộng với tay cao hơn trời”, tin rằng một ngày nào đó anh sẽ được “hái hoa tiên cho đời” và lúc đó, mộng ước của anh, hoài bão của anh, và cả tình yêu của anh cũng sẽ trở thành hiện thực, sẽ không còn là một ước mộng nữa mà là hiện thực, hiện thực sẽ kết duyên cho “ước mơ nên đẹp đôi” của anh cùng với người con gái mà anh thương.

Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng đã trở thành một ca khúc vượt thời gian. Bao nhiêu năm tháng qua nó vẫn sống như thế trong lòng những người yêu nhạc, và cả những con người vì hoàn cảnh mà rời quê hương.

Tuy nhiên, những năm trước (vào khoảng năm 2012, 2013 gì đó tôi cũng không nhớ rõ) có một nhạc sĩ không tên tuổi đã nhận bài hát này là sáng tác của mình, và nói rằng ông ấy đã sáng tác ca khúc ấy dành tặng cho người yêu khi cô ấy di dân vào miền Nam vào năm 1954, với tên gọi là Tôi Xa Hà Nội. Và không biết tại sao lại đến được tay nhạc sĩ Anh Bằng và trở thành như vậy. Ông ấy còn nói rằng lời và nhịp điệu của bài hát đã bị nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại sau khi chuyển sang thành tác phẩm của mình.

Nhưng tất cả điều đó chỉ là lời nói từ một phía, không có bất cứ một bằng chứng nào có thể chứng thực được điều đó là đúng hay sai. Dù đã làm khán giả yêu nhạc dậy sóng một thời gian, nhưng điều đó cũng không được nhạc sĩ Anh Bằng chứng thực. Vì vậy hầu hết mọi người đều không tin một nhạc sĩ tài năng, với kho tàng những ca khúc “đồ sộ” như vậy lại phải làm điều đó nên mọi chuyện cũng dần lắng xuống. Và “Nỗi Lòng Người Đi” đối với người hâm mộ luôn luôn là một tác phẩm tuyệt vời mang tên nhạc sĩ Anh Bằng

Lối Cũ biên soạn