Những hình ảnh hiếm về "vụ néṃ boṃ Dinh Độc Lập" chấn động Sài Gòn 1962 _ Lối Cũ

Vào ngày 27/2/1962, cả Sài Gòn chấn động khi hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái hai máy bay A-1 Skyraider đến oanh tạc, phá hủy nặng nề Dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Vào 7 giờ sáng 27/2/1962, hai máy bay A-1 Skyraider bất ngờ bay đến Dinh Độc Lập ở Sài Gòn ném bom và phóng rocket xối xả, khiến công trình này bị tàn phá nghiêm trọng. Trong ảnh, người dân tập trung ở công viên trước Dinh xem vụ oanh tạc. Ảnh: Vietnam Center and Archive.

Cảnh tượng hoảng loạn ở đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), trước cổng Dinh, khi vụ tấn công xảy ra. Theo công bố của giới chức, hai phi công thực hiện vụ ném bom Dinh Độc Lập là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc, đều phục vụ trong không quân Sài Gòn. Ảnh: Vietnam Center and Archive.

Nguyễn Văn Cử, người đứng đầu vụ tấn công là con trai thứ hai của Nguyễn Văn Lực, một lãnh đạo đối lập với chế độ TT Diệm. Ông Lực từng bị TT Diệm bỏ tù, đã lên kế hoạch cho Cử và Quốc thực hiện vụ ném bom. Ảnh: Lee Baker.

Mục đích của cuộc tấn công là ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và các nhân vật chủ chốt của chế độ. Tuy vậy, ba người chết trong vụ tấn công này là người phục vụ và lính gác. 30 người khác bị thương. Ảnh: Lee Baker.

Sau vụ tấn công, Nguyễn Văn Cử đã bay sang Campuchia tị nạn trong khi Phạm Phú Quốc bị bắt do máy bay bị bắn trúng và phải hạ cánh ở Nhà Bè. Ảnh: Vietnam Center and Archive.

Dinh Độc Lập được xây từ năm 1868 theo kiến trúc Pháp đã hư hỏng hoàn toàn và không thể hồi phục do cuộc oanh tạc. TT Ngô Đình Diệm đã cho san bằng công trình này để xây một dinh thự mới trên nền cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Ảnh: Vietnam Center and Archive.

Dinh Độc Lập mới khánh thành ngày 31/10/1966, sau năm 1975 được chuyển đổi thành Hội trường Thống Nhất. Ảnh tư liêu.

Bà Trần Lệ Xuân, “Đệ nhất phu nhân” tiếp xúc với báo chí bên đống đổ nát của Dinh Độc Lập sau vụ tấn công. Bà đã bị gãy tay khi chạy nạn trong biến cố này. Ảnh: Life.

Trong khi đó, một trong hai chiếc A-1 Skyraider thực hiện phi vụ ném bom do phi công Phạm Phú Quốc lái, bị trúng đạn của hải quân trên sông Sài Gòn, phải đáp khẩn cấp xuống Nhà Bè. Ông Quốc bị bắt giam và được trả tự do năm 1966. Ảnh tư liệu.

Theo KienThuc