Quà cưới thời bao cấp: Không tiền vàng, có một món đồ “huyền thoại” hôn lễ nào cô dâu chú rể cũng nhận được _ Lối Cũ

Trong đám cưới xưa, việc tặng quà phổ biến hơn so với đi tiền mừng. Những món đồ thường được sử dụng làm quà cưới là quạt, chiếu, phích nước, chậu, chăn gối…

Mừng cưới bằng tiền mặt, trang sức dường như đã trở thành quy luật bất thành văn ở xã hội hiện tại. Tùy vào thời cuộc, điều kiện gia đình, mối quan hệ thân thích…, người dự đám cưới sẽ có số tiền mừng khác nhau. Tuy nhiên, trở về quá khứ cách đây vài chục năm, hôn lễ thời đó gần như người ta không mừng nhau bằng tiền hay vòng vàng như ngày nay mà đa phần đều tặng hiện vật.

Đám cưới thời bao cấp thường được tổ chức theo kiểu “cây nhà lá vườn” và quà tặng cũng chân quê không kém. Vào ngày diễn ra hôn lễ, chủ nhà sẽ chuẩn bị một chiếc bàn lớn để người dân mang quà đến đặt lên đó. Thường khách dự đám cưới sẽ tặng quà cưới toàn sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như: chậu thau, bếp dầu, phích nước, đồ gốm sứ, quạt, bát đũa…, nếu sang hơn thì tặng cả tivi, xe đạp, hàng mét vải…


Đám cưới ngày xưa phổ biến việc tặng hiện vật hơn là mừng phong bì tiền

Văn hoá mừng cưới bằng vật dụng phổ biến trong xã hội. Mỗi khi có đám cưới trong làng, người ta lại thấy đoàn người kéo nhau đi dự, trên tay người cầm chiếu, người cầm chăn, người cầm bộ ấm chén…và đặc biệt không thể thiếu phích nước Rạng Đông. Một chiếc phích nước Rạng Đông ngày ấy có giá khoảng 7-8 đồng, là một món quà cưới vô cùng giá trị cho các cặp vợ chồng trẻ. Đây được xem như “món quà cưới huyền thoại” thời bao cấp mà đến hiện tại vẫn còn được nhắc đến.


Phích nước Rạng Đông được xem là “món quà cưới huyền thoại” thời bao cấp mà hầu như hôn lễ nào cũng có

Nếu như ngày nay tiền mừng cưới được đựng trong phong bì thì thời xưa, quà cưới được bọc trong những mảnh giấy gói quà đầy màu sắc. Thậm chí có những đám cưới khi tàn tiệc cưới, cô dâu chú rể phải kiếm bao gom quà mừng, vác về. Thời đó, gia đình nào sau đám cưới cũng như một… cửa hàng tạp hoá với đủ loại vật phẩm, quà cưới xếp cao quá đầu người, đủ mọi nhu cầu.

Dù không lộng lẫy xa hoa hay giàu tiền bạc như hiện tại, nhưng đám cưới ngày trước là cả một bầu trời hoài niệm mà những người đã đi qua đều bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Đám cưới của cô Phương và chú Thanh (Quảng Trị) diễn ra vào năm 1995, thời đó tuy đời sống đã có nhiều thay đổi, đã qua thời kỳ bao cấp nhưng quà cưới bằng hiện vật vẫn còn thịnh hành. Ở vùng quê nghèo tại miền Trung, đám cưới của cô chú không xa hoa, lộng lẫy nhưng vẫn đầy đủ nghi lễ, có ban nhạc chơi nhạc sống, hát hò đãi tiệc 2 ngày. Cô Phương nhớ lại, vào ngày cưới, quan khách đến dự sẽ gửi tặng món quà cho cô dâu chú rể những món quà như: áo quần trẻ em, chăn…Đặc biệt thời điểm đó đã có phong bì tiền xuất hiện nhưng mệnh giá chỉ từ 10.000 – 50.000 đồng.

“Ngày xưa cuộc sống còn nghèo, đám cưới tặng giá trị lắm thì bà con cho vài phân vàng, còn lại là vật dụng như chăn, ấm chén, quần áo trẻ em…Hồi đó để tổ chức đám cưới, gia đình họ hàng tụ họp chuẩn bị trong vài ngày và có 2 ngày lễ chính. Thậm chí ở quê, trong lễ ăn hỏi, phía nhà trai còn đem sang nhà gái đôi vịt như một tục lệ nữa” – Cô Phương chia sẻ.

Trong những hồi ức về ngày cưới cách đây gần 30 năm, cô Trịnh Thảo và chú Quang Đức (Hà Nội) chia sẻ, quà cưới lúc đó là những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống đời thường như: ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, chăn con công, rèm hoa văn…và không thể nào thiếu phích nước Rạng Đông. Đặc biệt hầu hết các món đồ tặng đám cưới thời đó đều có màu đỏ hoặc được gói ghém trong túi bởi quan niệm giấy có gam màu này sẽ mang lại may mắn. Thời đó, vợ chồng mới cưới thường sẽ ít sắm sửa đồ trong nhà vì đa phần đồ khách tặng đã đầy đủ.

Với cô Thị Vẻ và chú Văn Trình (Thừa Thiên – Huế), giờ hai vợ chồng vẫn còn nhớ mãi những món quà cưới từ ngày xửa ngày xưa. Ở Thừa Thiên – Huế, vốn chuyện cưới hỏi có rất nhiều lễ nghi theo phong tục địa phương. Trong ngày hạnh phúc cách đây tròn 40 năm về trước, cô chú nhận được những món quà từ khách mời lẫn gia đình hai bên như: ly, chén, vỏ gối, chăn…ở miền Trung khá hiếm tặng phích nước như miền Bắc. Đặc biệt, phía nhà gái tặng cho cô dâu một chiếc xe đạp, đây là kỉ vật mà cô Vẻ và chú Trình rất trân trọng.

Thời bao cấp, mọi người mừng cưới bằng hiện vật chứ không phải tiền mặt bởi vì một phần lý do khi đó mọi thứ đều phân phối theo tiêu chuẩn, từ những thứ nhỏ nhất như nước mắm, cân đường…cũng phải có tem phiếu. Nhiều khi có tiền trong tay cũng không mua được nếu không có tem phiếu đi kèm. Vì vậy quà tặng đám cưới cho cô dâu chú rể bằng hiện vật là thiết thực nhất.

Thậm chí ngày nay, tại nhiều đám cưới, hội bạn của cô dâu chú rể lấy cảm hứng từ những món quà thời bao cấp như nồi niêu xoong chảo, chiếu, phích nước…để đem tặng làm quà cưới đầy thú vị.

Những giá trị của văn hoá cưới hỏi ngày xưa vẫn còn được lưu giữ cho đến hiện tại

Đám cưới ngày xưa giản dị, mộc mạc, không xa hoa tráng lệ, đúng nghĩa đánh dấu cột mốc quan trọng để các cặp đôi gắn kết trọn trời. Mỗi vùng miền, địa phương khác nhau sẽ có những tục lệ cưới hỏi khác nhau. Điều này tạo nên sự đa dạng về văn hóa ngay trong chuyện đám cưới của người Việt. Nhưng ở thời nào thì quà cưới cũng mang nhiều ý nghĩa và giá trị, trước hết là để chúc phúc cho đôi uyên ương trong khoảnh khắc chính thức nên duyên vợ chồng.